Y tế Quảng Ninh: Nỗ lực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Sự đầu tư đúng hướng về y tế thông minh, hiện đại đã tạo đà cho ngành Y tế Quảng Ninh từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Người dân được bảo vệ nhờ công tác y tế dự phòng, được hưởng những dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao, nhiều bước tiến mới trong hợp tác quốc tế về y tế… Những nỗ lực của ngành Y tế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành Y tế Quảng Ninh luôn coi công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm, nâng cao năng lực cho y tế dự phòng. Ngành đã tập trung nhân lực, đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh và các chương trình Y tế. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) với vai trò là đơn vị tham mưu, quản lý về công tác y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã/phường, tăng cường các hoạt động giám sát sự kiện y tế công cộng nhằm kịp thời phát hiện các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng; tổ chức giám sát phòng chống dịch, đảm bảo môi trường sống an toàn cho nhân dân.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi), nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước, các loại dịch bệnh tăng cao, CDC Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị quán triệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt. Các nội dung được hướng dẫn bao gồm: Hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ; xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ứng phó với bão, lũ lụt; cách sử dụng máy phun hoá chất và một số lưu ý khi sử dụng máy ở tuyến huyện.
Trong công tác y tế dự phòng thì tiêm chủng là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em, cộng đồng khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tại Quảng Ninh, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai tại tất cả 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo đó, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin miễn phí phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao, gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về y tế
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của cả nước, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Các lĩnh vực Hợp tác chuyên môn Y tế quốc tế mang lại nhiều hiệu quả cho người dân Quảng Ninh trong đó phải kể đến: Chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển Nhật Bản (JICA) triển khai tình nguyện viên làm việc tại Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng; Tổ chức gia đình Quốc tế (FHI 360) triển khai hỗ trợ kỹ thuật duy trì kiểm soát HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Hiệp hội phòng chống mù lòa châu Á (APBA) phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho người dân trên một số địa bàn; Hợp tác với Đài Loan trong Chương trình phòng chống và kiểm soát bệnh lao ngoài cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển các lĩnh vực y tế dự phòng với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc…
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã phối hợp với các Hội chuyên môn tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc gia và quốc tế lớn, có ý nghĩa trong phổ biến, cập nhật các kiến thức chuyên môn mới, như: Hội nghị Nội soi tiêu hóa toàn quốc năm 2023; Hội nghị Khoa học lần thứ XVII Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam; Hội nghị IVF Experts Meetings XVIII; Hội nghị Khoa học chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, chống độc châu Á VASEM; Hội nghị khoa học Bỏng, Liền vết thương và Phẫu thuật Tạo hình, thẩm mỹ - tái tạo toàn quốc lần thứ XIV; Hội nghị Nhi khoa các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2023. Qua đó, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh có cơ hội học tập, cập nhật kiến thức mới, thúc đẩy phát triển lĩnh vực y tế chuyên sâu, nâng tầm chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hết mình vì sức khỏe nhân dân
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã được Tỉnh quan tâm đầu tư, tạo điều kiện phát triển thông qua các cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; các dự án đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, củng cố cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Đây chính là những “cú huých” mạnh tạo đà cho Y tế Quảng Ninh.
Ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư nâng cấp và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiện đại cho cả hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh. Sở Y tế đã tiến hành rà soát hiện trạng tất cả các trạm Y tế xã khó khăn, xuống cấp thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Trong năm 2024, Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư xây mới và nâng cấp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế đã nỗ lực tập trung xây dựng cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao cho y tế xã, huyện, tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023. Theo Nghị quyết, từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2025, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu thu hút tối thiểu 298 bác sĩ về làm việc tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã.
Với những thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, ngành Y tế Quảng Ninh đã chinh phục được nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh ngay tại tỉnh nhà. Điển hình trong một số lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật mổ tim hở, can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật khớp, nghiên cứu tầm soát và chẩn đoán trước sinh, triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng và tế bào gốc… Đến đầu năm 2024, tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương, chiếm tỷ lệ 85% danh mục kỹ thuật của Trung ương, tuyến huyện thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến.
Đặc biệt trong tháng 4/2024 vừa qua, Quảng Ninh được biết đến là địa phương đầu tiên trong cả nước có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ người chết não để đưa đến các Trung tâm ghép tạng tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế giúp hồi sinh nhiều sự sống. Sự kiện này đã tạo ra 1 dấu ấn trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm chinh phục kỹ thuật cao của đội ngũ y bác sĩ Quảng Ninh trong hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các cơ sở Y tế của tỉnh. Nhiều khu vực phòng khám, phòng bệnh bị hư hại nặng nề, nhưng các y bác sĩ tại tất cả các đơn vị y tế không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh và nhân viên mà còn cố gắng duy trì liên tục hoạt động y tế, đảm bảo các bệnh nhân vẫn nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay trong những tình huống thiên tai phức tạp.
Trong cơn siêu bão, rất nhiều người dân gặp tai nạn thương tích được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế. Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao hơn bao giờ hết, các y bác sĩ tại tất cả các đơn vị y tế toàn tỉnh Quảng Ninh vẫn túc trực 24/24 và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trong đêm bão Yagi đổ bộ, để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong bão, Khoa Cấp cứu luôn sáng đèn và liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến cơn bão số 3. Tính riêng trong cơn bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân/ngày.
Còn tại Bệnh viện Bãi Cháy trong ngày 8/9, sau khi bão Yagi đổ bộ 1 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận tổng số bệnh nhân vào viện là 95 lượt. Trong thời gian mưa bão, các phòng phẫu thuật của Bệnh viện Bãi Cháy vẫn liên tục hoạt động, các thầy thuốc đã thực hiện 27 ca mổ trong đó có 24 trường hợp phẫu thuật cấp cứu, số người nhập viện là 49 người trong đó có 7 ca nặng (4 ca điều trị hồi sức tích cực).
Ngoài ra ở các cơ sở Y tế tuyến huyện, các y bác sĩ cũng hoạt động hết công suất để kịp thời cứu chữa người bị tai nạn do bão gây ra.
Cùng với cả tỉnh đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiệt hại do bão Yagi gây ra, ngành Y tế Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần, ý chí của những chiến sĩ áo trắng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sau bão, ngoài công tác cứu chữa người gặp nạn thì công tác phòng chống dịch bệnh và phòng ngừa tai nạn thương tích đang được ngành Y tế quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh và tai nạn cho người dân trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ.