Nút mạch cầm máu chấn thương nội tạng: Giải pháp an toàn, hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong

  • 2021/07/15 13:53

Bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được đại phẫu nặng nề, rút ngắn thời gian nằm viện và điều trị…Đó là những ưu thế nổi bật của phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng đang được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách…do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương.

Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách…nặng nề kéo dài hàng giờ, tránh biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới đòi hỏi đội ngũ bác sĩ điện quang can thiệp được đào tạo bài bản và trang thiết bị y tế hiện đại.

 

Kỹ thuật can thiệp nút mạch chấn thương nội tạng, khối u, ung thư gan…được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Bãi Cháy

Tháng 6 vừa qua, Bệnh viện bãi Cháy đã nút mạch cấp cứu thành công cho bệnh nhân người Ấn Độ 27 tuổi bị chấn thương vỡ gan độ IV do tai nạn giao thông. Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng tỉnh, kích thích nhiều, buồn nôn, vùng hạ sườn có vết trầy xước, bầm tím, đau nhiều. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy nhu mô gan phải có đám tổn thương đụng dập 97x124mmm, bên trong có tổn thương mạch máu, dịch máu ổ bụng tỷ trọng cao. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa kết luận chấn thương vỡ gan độ IV sau tai nạn giao thông và xử trí nút mạch cầm máu cấp cứu cho người bệnh trên nền hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA.

Ekip điện quang can thiệp của bác sĩ CKI. Lê Tiến Hưng – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện nút mạch trong thời gian 45 phút. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống số hóa xóa nền DSA, các bác sĩ đã xác định chính xác hướng đi đến vị trí động mạch gan bị tổn thương và tiến hành bơm chất gây tắc mạch để cầm máu. Kết quả kiểm tra sau nút mạch đã không còn chảy máu vùng tổn thương. 

 

Bệnh nhân người Ấn Độ tỉnh táo và không còn xuất huyết do vỡ gan ngay sau 24 giờ can thiệp

Người bệnh tỉnh táo, có thể giao tiếp tốt, không xuất hiện tình trạng xuất huyết sau can thiệp. Sau 5 ngày theo dõi, điều trị phục hồi sức khỏe, bệnh nhân được xuất viện về nhà.

Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Tình trạng chấn thương gan vỡ gan nặng nề như bệnh nhân trên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ phẫu thuật cắt vùng gan tổn thương là rất khó tránh khỏi. Kỹ thuật nút mạch cấp cứu chấn thương gan có giá trị tương đương với phẫu thuật được thực hiện thành công sẽ cầm máu tức thì. Bệnh nhân bảo tồn được gan, không phải trải qua phẫu thuật cắt gan với nhiều nguy cơ tai biến trong và sau phẫu thuật. 

Vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5mm, không chảy máu, không để lại sẹo. Quá trình tiến hành kỹ thuật chỉ trong khoảng 30 - 45 phút, không gây đau đớn, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và có thể xuất viện sau 24h đến 3 ngày”.

Từ năm 2015, Bệnh viện Bãi Cháy đã áp dụng hiệu quả kỹ thuật can thiệp nút mạch điều trị thành công hàng trăm ca bệnh lý của các cơ quan bộ phận khác nhau như: Các bệnh lý về mạch máu do chấn thương, không do chấn thương, các chấn thương vỡ gan, lách, thận…, u gan, ho ra máu, u xơ tử cung, u tiến liệt tuyến…Nhờ đó cấp cứu, điều trị thành công các ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương với thời thời gian hồi phục sức khỏe nhanh chóng, tiết kiệm chi phí điều trị.

Mạc Thảo - Lê Tiến Hưng