Bệnh viện Bãi Cháy ứng dụng thành công vi phẫu bảo tồn, phục hồi vận động chi thể đứt rời
Thời gian qua, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp thực hiện thành công vi phẫu nối ngón tay đứt rời cho các bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt, lao động. Đây là kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến trung ương trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình được áp dụng, triển khai thường quy tại bệnh viện đem lại kết quả điều trị khả quan, bảo tồn chi thể, đảm bảo thẩm mỹ và phục hồi chức năng vận động cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng.
Đứt lìa chi là cấp cứu trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói chung và vi phẫu thuật nói riêng. Cùng với yêu cầu về sơ cứu phải nhanh chóng, chính xác để ngăn tình trạng mất máu và bảo tồn phần chi đứt lìa đúng cách thì việc thực hiện kịp thời phẫu thuật ghép nối chi có vai trò quan trọng giúp bảo tồn chi thể, nâng cao khả năng phục hồi vận động sau tai nạn. Với mục tiêu mang lại cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh, sau quá trình học tập chuyển giao bài bản, đến nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã bước đầu làm chủ và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vi phẫu nối thể chi đứt rời, thực hiện các ca nối ghép gân cơ, mạch máu, thần kinh với kết quả điều trị khả quan, giúp phục hồi chức năng vận động cho các bệnh nhân bị tai nạn từ đơn giản đến phức tạp.
Chấn thương đứt lìa ngón tay của người bệnh
Mới đây, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy đã phẫu thuật nối thành công liên tiếp 2 trường hợp tai nạn đứt lìa ngón tay phức tạp. Bệnh nhân Lưu T A (40 tuổi) ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị dây cáp sắt siết vào ngón II tay phải, sau tai nạn đốt 1 ngón II tay phải đứt gần rời, chỉ còn dính ít da và gân. Kíp phẫu thuật khoa Chấn thương chỉnh hình đã thực hiện vi phẫu nối lại thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương ngón tay. Sau phẫu thuật 12 tiếng, ngón tay của bệnh nhân hồng ấm trở lại, bàn tay được phục hồi nguyên hình dáng.
Bệnh nhân sau phẫu thuật vi phẫu bảo tồn ngón tay, bàn tay phục hồi nguyên hình dáng
Trước đó, bệnh nhân Trần Duy Huấn (38 tuổi) ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh bị máy cắt cắt vào ngón tay phải gây vết thương phức tạp – đứt gân gấp, đứt bó mạch thần kinh hai bên ngón, đầu chi kém hồng ở đốt 1 ngón II. Kíp mổ đã thực hiện khâu nối mạch máu, thần kinh, gân cơ dưới kính hiển vi phẫu thuật. Sau 5 ngày phẫu thuật, ngón tay của bệnh nhân tưới máu tốt, hồng ấm, vết mổ khô ráo.
Trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật vi phẫu nối thể chi đứt rời thì những trường hợp bệnh nhân trên thường được sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến trung ương, hoặc sẽ cắt bỏ phần chi bị đứt và tạo mỏm cụt. Ths.BSNT Lâm Thanh Hải – Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: ‘Vi phẫu là kỹ thuật phẫu thuật rất tinh vi, sử dụng để nối ghép những mạch máu, thần kinh nhỏ ở khắp nơi trên cơ thể. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề, kỹ năng phẫu tích khéo léo, thuần thục, nắm chắc về giải phẫu, hình thái cơ thể, kể cả mạch máu nhỏ. Cụ thể ở các trường hợp bệnh nhân trên, quá trình khâu nối các động mạch, tĩnh mạch kích thước rất nhỏ ở ngón tay đòi hỏi phải sử dụng bộ dụng cụ vi phẫu chuyên dụng cùng sự khéo léo, tỉ mỉ cao trong từng thao tác của phẫu thuật viên.Việc ứng dụng thành công kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời giúp bệnh nhân bảo tồn được các chi bị đứt rời với tính thẩm mỹ cao, mang lại hình thái nguyên vẹn, phục hồi giải phẫu và chức năng vận động.”
Là bệnh viện đa khoa hạng I tuyến cuối của tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, bệnh viện Bãi Cháy sẽ tiếp tục ứng dụng thường quy kỹ thuật vi phẫu trong nối chi thể đứt rời nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, mang lại cơ hội cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giảm bớt di chứng nặng nề, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí điều trị, nhanh chóng hồi phục trở lại cuộc sống bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo: Thời
gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc
các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời tối đa lên tới
12 giờ tuỳ từng loại cơ quan. Sau khi phần chi thể đứt rời sẽ bị ngừng cung cấp
máu do đó các tế bào mô sẽ tổn thương nặng dần theo thời gian. Việc bảo quản
chi thể đúng cách sẽ kéo dài thời gian sống của mô, bảo tồn được mô, hạn chế
mô bị tổn thương nặng hơn. Thời gian chịu đựng sự thiếu
máu nuôi của mỗi loại mô là khác nhau: Mô cơ là 2 giờ ở nhiệt độ trên 20 độ C
và 4-6 giờ nếu dưới 10 độ C. Vì thế việc bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh
là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống của chi thể. Các sơ cứu trong trường hợp
bị đứt rời chi có thể thực hiện như sau: 1. Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh
lý; sau đó băng kín vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng. 2. Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết
thương là đủ. Nếu đứt lìa bàn tay, bàn chân, cần làm thêm garô để tránh chảy
máu. 3. Với phần chi đứt lìa (phần ngoại vi): - Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng
nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất. - Bọc kín bằng gạc hoặc vải
sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng,
buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào. - Đặt túi vào thùng đá lạnh,
thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có
chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi
không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh. 4. Nếu bộ phận cơ thể chưa
đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường
hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng dùng gạc băng lại, đặt
túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Chuyển
nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối
chi thể đứt lìa, tránh lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể. |
Mạc Thảo