Ung thư tuyến tụy: Cảnh giác với những cơn đau bụng thượng vị
Các bác sĩ khoa Ung bướu I - Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân Ung thư tụy. Đây là phẫu thuật khó, phức tạp do liên quan đến nhiều tạng và mạch máu lớn trong cơ thể, nguy cơ tử vong do tai biến trong và sau mổ cao.
Bệnh nhân Nguyễn Thế Bảo (63 tuổi, trú tại Quảng Ninh) có triệu chứng đau bụng thượng vị, ăn uống kém nhiều năm nay. Bệnh nhân được điều trị theo hướng viêm niêm mạc dạ dày nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tại khoa Ung bướu I – Bệnh viện Bãi Cháy, qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, xét nghiệm các Marker ung thư, nội soi dạ dày – đại trực tràng, chụp CT Scaner, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có khối u thân tụy kích thước lớn gây giãn ống tụy. Đồng thời, khối u xâm lấn vào thành trước tĩnh mạch cửa, vị trí hợp lưu tĩnh mạch mạc treo tràng dưới và tĩnh mạch lách.
Qua hội chẩn đa chuyên khoa và hội chẩn với các giáo sư, bác sỹ đầu ngành tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt thân đuôi tụy – cắt lách, lấy tổ chức u xâm lấn tĩnh mạch cửa, nạo vét hạch với mục tiêu điều trị triệt căn, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Đây là cuộc đại phẫu có độ khó cao và phức tạp hàng đầu trong chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa, thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K Trung ương…
Bệnh nhân phục hồi tốt sau phẫu thuật
Ca phẫu thuật do ê-kíp của Giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó giám đốc - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Việt Đức cùng các bác sĩ khoa Ung bướu I – Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện diễn ra khoảng 4 giờ đồng hồ, đã loại bỏ hoàn toàn khối u thân đuôi tụy kích thước 3x5cm, phục hồi và tạo hình tĩnh mạch cửa thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt. Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện trong niềm hân hoan của gia đình và tập thể nhân viên khoa Ung bướu I – Bệnh viện Bãi Cháy
“Chẩn đoán ung thư tụy rất khó vì thường bị che lấp bởi các bệnh lý của dạ dày, đại tràng. Mặt khác, tụy lại nằm sâu trong ổ bụng, trước cột sống. Vì vậy khi thăm khám bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng vùng thượng vị, các thầy thuốc cần lưu ý đến bệnh lý của tụy. Siêu âm và chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc sẽ giúp cho thầy thuốc phát hiện sớm tổn thương ở tụy.” – Thạc sĩ, Bác sĩ CKII. Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu I, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018, Việt Nam có khoảng 1000 người mắc mới ung thư tụy và gần 90% trường hợp tử vong vì bệnh này. Tuyến tụy nằm sâu sau phúc mạc, dạ dày, đại tràng ngang, được bao bọc bởi nhiều cơ quan và mạch máu quan trọng (tá tràng, gan, lách, động mạch treo tràng trên, tĩnh mạch gánh) nên việc chẩn đoán, can thiệp điều trị ngoại khoa rất khó khăn.
Bệnh diễn tiến từ từ với những triệu chứng lâm sàng như đau âm ỉ vùng thượng vị, vàng da, sụt cân, ăn uống kém nên rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh nội khoa như viêm loét dạ dày tá tràng... Khi xuất hiện dấu hiệu bụng chướng, khối gồ vùng thượng vị hoặc thậm chí đau lưng...thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân có thể tử vong trong tình trạng suy kiệt, suy đa tạng trước khi ung thư tụy hoành hành do tuyến tụy liên quan đến gan, mật, khi ung thư phát triển sẽ chèn ép vào đường mật, gây tắc mật, dẫn đến gan ứ mật và suy gan.
Do đó, Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người trên 40 tuôi nên thường xuyên đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại, không chủ quan với những cơn đau bụng vùng thượng vị để tầm soát ung thư tuyến tụy sớm, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, hiệu quả.
Mạc Thảo – Nguyễn Văn Dũng – Đình Hải