Rút hơn 1l dịch mủ cứu sống bệnh nhân tràn mủ màng phổi nguy kịch
Các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy vừa chọc hút hơn 1l dịch mủ trong khoang phổi cứu người bệnh 81 tuổi bị tràn mủ màng phổi vượt cơn nguy kịch.
Bệnh nhân Trương Văn T (81 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện với biểu hiện đau ngực dữ dội, sốt cơn. Trước đó, bệnh nhân từng bị sâu răng đã điều trị thuốc, xuất hiện tình trạng đau ngực trái, đau tăng dần lan ra phía sau lưng, cảm giác khó thở khoảng 1 tuần. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả CT scanner ngực có hình ảnh tràn dịch màng phổi trái gây xẹp phổi, xẹp đốt sống D12. Nhận định nguy cơ bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi kèm dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, các bác sĩ đã tiến hành mở màng phổi dẫn lưu hơn 1000ml dịch mủ màng phổi mủ thối, bơm rửa ổ mủ hàng ngày, điều trị bằng thở oxy, kháng sinh liều cao theo phác đồ.
Hàng lít dịch mủ màng phổi trong cơ thể bệnh nhân
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân thoát tình trạng sốc các chỉ số sinh tồn ổn định, dẫn lưu khoang màng phổi bớt dịch đục, tỉnh táo, tự thở, sức khỏe ngày càng cải thiện.
Bác sĩ Phạm Thị Út Trang“Trường hợp của bệnh nhân Trương Văn T điển hình cho bệnh tràn mủ màng phổi. Bệnh lý này hình thành do sự tích tụ mủ lớn trong khoang màng phổi, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: biến chứng của những căn bệnh liên quan đến phổi như viêm màng phổi, viêm phổi, áp xe phổi, hậu phẫu lồng ngực, chấn thương, áp xe dưới hoành (áp xe gan, viêm phúc mạc khu trú...) vỡ vào khoang màng phổi hoặc nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virus trú ngụ tại bất cứ vị trí nào trong cơ thể xâm nhập vào khoang màng phổi gây viêm, tràn mủ màng phổi.
Tràn mủ màng phổi không thường gặp nhưng hậu quả, di chứng nặng nề nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời, tích cực tại các đơn vị y tế chuyên sâu, đặc biệt đối với người bệnh cao tuổi có hệ miễn dịch suy giảm do tuổi già, mắc các bệnh lý nền đi kèm. Tràn mủ màng phổi mức độ nhiều, nặng có thể chèn ép phổi, tổn thương đông đặc phổi, xẹp phổi, gây suy giảm chức năng hô hấp, chèn ép tim, thiếu oxy gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan, nhiều trường hợp nghiêm trọng phát hiện muộn dẫn đến tình trạng vỡ mủ gây chảy máu, dịch màng phổi, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong”.
Hiện tại đối với bệnh lý mủ màng phổi, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy có thể chẩn đoán qua chụp X-quang lồng ngực để xác định chính xác vùng tích tụ mủ trong khoang màng phổi, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính xác định mức độ tổn thương, tìm kiếm đường để đặt ống dẫn lưu, điều trị bằng phương pháp dẫn lưu mủ, bơm rửa khoang màng phổi qua ống dẫn lưu hàng ngày, kết hợp kháng sinh liều cao kéo dài 4-6 tuần. Khi các liệu pháp điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân có thể được phẫu thuật bóc vỏ màng phổi khi màng phổi bị dày dính nhiều, hạn chế chức năng hô hấp. Bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình hậu phẫu phục hồi sức khỏe kéo dài.
Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của tràn mủ màng phổi, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh:
Điều trị dứt điểm các bệnh lý có nguy cơ gây bệnh như viêm màng phổi, viêm phổi…, và các bệnh có nguy cơ chứa ổ nhiễm khuẩn như: răng hàm mặt và tai mũi họng.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý với thịt, rau củ tươi, trái cây… để nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật
Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp.
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu tràn mủ màng phổi như: khó thở khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động gắng sức, đau tức ngực, đau tăng khi hít thở sâu, ho khan hoặc ho có đờm, sốt hoặc không kèm theo rét run, mệt mỏi, ăn uống kém, phù chân… cần đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.