Nhận biết và phòng tránh các bệnh lý tim mạch
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Ngày nay, bệnh tim mạch có xu hướng ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, phòng và kiểm soát bệnh lý tim mạch rất cần thiết để có một trái tim khỏe mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bệnh tim mạch được hiểu đơn thuần là các rối loạn tại tim và mạch máu. Những năm gần đây các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bệnh tim mạch đang có xu hướng ngày càng tăng và gặp ở mọi lứa tuổi.
6 nhóm đối tượng thường có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch như:
Những người hay hút thuốc lá, thuốc lào: Các chất có trong khói thuốc như Nicotine, Carbon monoxide ... là các yếu tố gây co thắt mạch máu, tổn thương lớp nội mạc mạch máu gây nên quá trình huyết khối thành mạch và xơ vữa mạch máu.
Những người ăn nhiều muối, ăn nhiều chất béo và Cholesterol: Thường có tình trạng giữ nước, rối loạn chuyển hóa Lipid gây tăng huyết áp, đột quỵ não…
Những người ít hoạt động thể lực.
Những người thừa cân, béo phì.
Những người hay lo âu, căng thẳng kéo dài. Ví dụ người bị stress về tâm lý, mắc bệnh trầm cảm kéo dài thì đều ảnh hưởng quá trình xơ vữa mạch máu.
Những người bị rối loạn mỡ máu: Đối tượng này cũng gần giống với các đối tượng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên nhóm đối tượng này thường có tính gia đình, tăng Cholesterol, Triglyceride, các lipid nhỏ đậm đặc.. từ đó gây ra các bệnh xơ vữa mạch máu và gây nguy cơ tim mạch rất cao.
Khám định kì và tầm soát các bệnh lý tim mạch là rất cần thiết với các nhóm đối tượng nêu trên mặc dù bản thân họ vẫn cảm thấy khỏe mạnh, chưa có triệu chứng gì.
Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Văn Quý - Phó Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Các bệnh về tim mạch”, một số bệnh có dấu hiệu sớm, một số bệnh thì phải kiểm tra sức khỏe định kỳ mới phát hiện được.
Ví dụ: Một số bệnh nhân có huyết áp rất cao; có thể > 180 200 mmHg nhưng ở giai đoạn đầu chưa có biểu hiện đau đầu, chóng mặt gì, chỉ tình cờ phát hiện được khi đi khám sức khỏe định kỳ. Hay một số bệnh tim bẩm sinh: Thông liên nhĩ, thông liên thất lỗ nhỏ giai đoạn đầu người bệnh vẫn còn thích ứng chưa có biểu hiện lâm sàng, chỉ phát hiện khi có hoạt động gắng sức hoặc khám sức khỏe, siêu âm tim…
Nhận định một số triệu chứng lâm sàng để nhận biết sớm bệnh tim mạch, Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Văn Quý cho biết về một số dấu hiệu như:
Dấu hiệu khó thở: Người bệnh có thể thấy có khó thở khi hoạt động gắng sức và mức độ ngày càng khó thở tăng hoặc người bệnh xuất hiện khó thở khi ngủ đặc biệt về ban đêm, có lúc phải ngồi dậy để thở…
Đau tức ngực: Mức độ đau ban đầu có thể chỉ xuất hiện đau khi gắng sức, sau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, cảm giác như có vật gì đó đè nặng vào ngực hoặc một số trường hợp đau như dao đâm..
Các biểu hiện do tích nước: Phù mặt, phù mi mắt, mắt cá chân hoặc cẳng chân..
Cảm giác hồi hộp, nhịp tim không đều.
Chóng mặt, ngất, xỉu..
Ngoài ra còn có triệu chứng khác ở ngoài cơ quan tim mạch như ho dai dẳng, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, ăn uống khó tiêu…các triệu chứng này đến sớm hoặc muộn, tùy theo mức độ bệnh do đó người bệnh cần đi khám để tầm soát các bệnh tim mạch.
Điều trị bệnh tim mạch là không khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên có 1 số bệnh có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn như; Một số rối loạn nhịp tim và một số bệnh tim bẩm sinh như; Rối loạn nhịp nhanh trên thất, còn ống động mạch, thông liên thất … Vì vậy chúng ta cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh tim mạch, bao gồm:
Chế độ ăn giảm muối, giảm mỡ, giảm tinh bột. Có thể thực hiện bằng cách giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, món ăn công nghiệp, đồ hộp.. tăng cường đậu, cá..
Tăng cường ăn rau quả xanh, ngũ cốc... Chất xơ trong rau quả giúp nhuận tràng, giảm áp lực ổ bụng, tăng đào thải các Cholesteron trong thành mạch máu giúp mạch máu mềm mại đàn hồi tốt, chống được xơ vữa.
Không hút thuốc lá, thuốc lào: Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người hút thuốc lá gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là 20-30%, nhưng 80-90% người bệnh phổi mạn tính là do thuốc lá. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp do thuốc lá 20-25%. Nhưng > 90% nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ là do thuốc lá.
Hạn chế sử dụng bia rượu. Rượu bia làm tăng huyết áp, triglycerit (một loại chất béo) trong máu và cân nặng cơ thể, dẫn tới các bệnh tim mạch. Những người có tiền sử cao huyết áp sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ khi uống bia rượu. Bệnh này được đặc trưng bởi tim phồng to và lực co bóp yếu (Suy tim).
Thường xuyên rèn luyện tập thể dục thể thao khoảng 30 phút – 45 phút/ ngày/ mỗi tuần giúp giảm đường, mỡ, huyết áp và tránh được những bệnh tim mạch, nâng cao thể chất, tinh thần.
Mạc Thảo – Trần Văn Quý