Ngành Y tế triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

  • 2022/02/16 08:01

Ngày 16/2/2022, tại TP. Hạ Long, Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Bệnh viện Bãi Cháy có TTND.BSCKII Lê Ngọc Dũng -Giám đốc Bệnh viện, Bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh -Phó Giám đốc, Bác sĩ Đinh Thị Lan Oanh - Phó Giám đốc cùng các đồng chí trưởng các khoa, phòng liên quan.


Bệnh viện Bãi Cháy dự họp trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhiều trên địa bàn tỉnh so với thời điểm trước Tết. Trong đó, số ca tăng mạnh ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, như Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái... Điển hình như ngày 15/2, số ca F0 ghi nhận trên địa bàn tăng cao với tổng số 1.246 trường hợp trong đó số lượng F0 ngoài cộng đồng là học sinh và cán bộ nhân viên y tế vẫn chưa có chiều hướng giảm. Dự báo số ca mắc có nguy cơ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, khi công nhân đi làm trở lại và học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đặc biệt, các lễ hội đền, chùa đầu năm ở trong và ngoài tỉnh, các sự kiện tập trung đông người, sự hoạt động trở lại của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sẽ là nguy cơ cao bùng phát các ổ dịch trong cộng đồng tại các địa phương...

Các điểm cầu dự họp trực tuyến

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, TTND.BSCKII Lê Ngọc Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Bệnh viện luôn bám sát các chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế, UNBD tỉnh, Sở Y tế Quảng Ninh, triển khai linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn. Đến ngày 15/2/2022, Bệnh viện đang điều trị cho 24 bệnh nhân Covid -19, trong đó có 2 bệnh nhân nặng và có nhiều bệnh lý nền. Bên cạnh đó, hiện Bệnh viện vẫn đang duy trì 3 kíp hỗ trợ thị xã Đông Triều để điều trị bệnh nhân Covid-19.  

Hội nghị đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; công tác báo cáo, thu thập số liệu phục vụ phân tích, dự báo tình hình dịch; công tác điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng tại nhà; triển khai phần mềm quản lý tư vấn F0 tại nhà; phân cấp trong mua sắm vật tư, sinh phẩm hóa chất phòng chống dịch…


Đồng chí Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế ghi nhận và biểu dương tinh thần chống của cả hệ thống ngành y tế trong suốt 2 năm qua, đồng thời chia sẻ với khối lượng công việc cùng những áp lực mà đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cũng như các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế mong muốn, mỗi cán bộ cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị cần sẵn sàng phương án đáp ứng với cấp độ dịch cao hơn, chuẩn bị kịch bản cho trường hợp xảy ra 10.000 ca mắc/ngày tại Quảng Ninh. Đặc biệt, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch cho Ban chỉ đạo các địa phương, nhất là công tác quản lý, theo dõi và điều trị F0 tại nhà cũng như đảm bảo công tác hậu cần trong việc mua sắm sinh phẩm phục vụ điều trị, phòng chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua, sử dụng các loại thuốc điều trị F0 tại nhà không rõ nguồn gốc; có hướng dẫn cụ thể, công khai danh mục những loại thuốc được chỉ định trong điều trị F0 tại nhà và chuẩn bị tốt nhân lực cho y tế trường học đảm bảo học sinh được đến trường an toàn trong tình hình mới.  

Đối với các đơn vị tuyến tỉnh, các bệnh viện cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ đơn vị tuyến huyện trong công tác chuyên môn và phòng chống dịch, chủ động trong phối hợp. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận F0 điều trị theo đúng phân tầng nhằm tránh quá tải cũng như đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh tại đơn vị. Báo cáo tần suất xét nghiệm, kinh phí thường xuyên để Ngành kịp thời có biện pháp giải quyết, tháo gỡ khi gặp khó khăn. Các bệnh viện cần nghiên cứu triển khai phòng khám hậu COVID-19 nhằm hỗ trợ cho người dân sau khi đã điều trị khỏi bệnh,tránh những di chứng nguy hiểm về sau.

Đối với việc nhiều đơn vị không thể đảm bảo nguồn nhân lực làm việc do nhiều cán bộ y tế đang trong quá trình cách ly F0, F1, đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo, tùy thuộc vào tình hình thực tế, tình trạng của nhân viên, khả năng thu dung, điều trị của đơn vị,… mà đơn vị được toàn quyền quyết định vấn đề này. Tuy nhiên, đơn vị sẽ phải báo cáo Sở Y tế và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo hoặc lây lan dịch bệnh tại đơn vị mình quản lý.

Đồng chí nhấn mạnh, để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, mỗi cán bộ nhân viên y tế cần tăng cường hơn nữa tính kỷ luật trong quá trình làm việc, hạn chế việc tập trung đông người hoặc sử dụng những loại hình dịch vụ công cộng, thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Minh Khương