Kháng thuốc kháng sinh tăng chi phí điều trị và nguy cơ tử vong
Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng) có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho loại thuốc này không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Theo WHO, đây là mối nguy gây tăng chi phí điều trị, bệnh nặng và dẫn đến tử vong.
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Mỗi năm có khoảng 5-10% bệnh nhân có vi khuẩn đa kháng thuốc. Mới đây, Khoa đã tiếp nhận chăm sóc, điều trị tích cực cho người bệnh nặng có vi khuẩn đa kháng thuốc.
Bệnh nhân có vi khuẩn đa kháng thuốc điều trị tại Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy
Bệnh nhân Linh T Q (66 tuổi, TX Đông Triều, Quảng Ninh) chuyển từ bệnh viện tuyến trên về Bệnh viện Bãi Cháy với tình trạng bệnh lý nặng nề liệt tứ chi, đã phẫu thuật giải áp và cố định cột sống, thở máy qua nội khí quản, tăng tiết đờm rãi nhiều. Kết quả nuôi cấy đờm phát hiện vi khuẩn kháng thuốc là Acinetobacter baumannii. Bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp can thiệp đặc biệt như thở máy, cách ly, chăm sóc toàn diện, sử dụng kháng sinh liều cao theo phác đồ. Sau 3 tuần tình trạng bệnh lý cải thiện, được rút ống nội khí quản thở máy.
Trường hợp khác là bệnh nhân Hà T L (68 tuổi, Đầm Hà, Quảng Ninh) bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi, nấm máu, nhiễm trùng bàn chân trên nền đái tháo đường, tăng huyết áp. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn kháng thuốc là pseudomonas aeruginosa. Các bác sĩ đã điều trị lọc máu liên tục, kháng sinh, bù điện giải, an thần, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, mở màng phổi…
Kháng thuốc kháng sinh dẫn đến quá trình điều trị dài ngày, gây gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân
Bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Vi khuẩn đa kháng thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm…Do đó đa phần bệnh nhân đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh khiến việc điều trị khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân càng cần nhiều can thiệp y tế càng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, quá trình điều trị cần đội ngũ y tế chăm sóc chuyên sâu từ hút đờm, vệ sinh canuyn mở khí quản, catheter tĩnh mạch….
Tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, từ bác sĩ đến các nhân viên y tế đều ý thức cao về vi khuẩn đa kháng thuốc, trong đó có phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo tại khoa, bệnh viện. Quá trình điều trị bệnh lý nhiễm trùng của bệnh nhân luôn chú trọng phòng ngừa nguy cơ bệnh nhân lây nhiễm thêm các vi khuẩn khác tại bệnh viện. Mỗi giường bệnh tại khoa đều ngăn cách bằng vạch đỏ, đảm bảo mỗi bệnh nhân cách nhau 2-3m. Khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn, nuôi cấy ra vi khuẩn đa kháng thì nhân viên y tế phải mặc áo phòng hộ, chăm sóc đặc biệt, toàn diện cho bệnh nhân”.
Kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Điều tồi tệ nhất khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân: Không tự ý ra quầy mua thuốc kháng sinh hoặc xin kê đơn thuốc để mua mà không đi khám; Khi dùng thuốc kháng sinh theo đơn kê của bác sĩ cần uống đủ liều lượng và thời gian theo chỉ định; khi thấy bệnh khỏi triệu chứng cũng không được ngừng thuốc quá sớm hoặc tự ý mua thêm thuốc uống khi có dấu hiệu bất thường; Không tự ý rắc thuốc kháng sinh lên các vết thương hở, lở loét…
Mạc Thảo