Hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • 2022/08/03 03:40

Nuôi con bằng sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích duy trì ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Và để giúp trẻ hấp thu nguồn sữa mẹ tốt nhất, các bà mẹ cần phải có phương pháp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đúng cách.


Phương pháp da kề da và cho con bú mẹ ngay sau sinh tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên mà không một loại dinh dưỡng nào có được. Vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Để có thể nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả, đúng cách, khoa học, trước tiên mẹ cần biết rõ các dạng khác nhau của sữa mẹ. 

1.Sữa non

Sữa non là sữa đầu tiên mà trẻ sơ sinh nhận được khi bắt đầu bú mẹ. Sữa non thường có màu vàng, chất sữa đặc hơn so với sữa trưởng thành.

Giai đoạn sản xuất sữa non bắt đầu trong thời kỳ mang thai và kéo dài trong vài ngày sau khi phụ nữ sinh con. Sữa non chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và các hợp chất tăng cường miễn dịch để cung cấp năng lượng và hỗ trợ cho em bé trong những ngày đầu tiên chào đời. Do vậy,nên cho con bú ngay khi vừa chào đời để trẻ nhận được nguồn sữa đặc biệt này.

2. Sữa chuyển tiếp

Khi hết sữa non thì tuyến sữa bắt đầu tiết ra sữa chuyển tiếp. Loại sữa mẹ này sẽ chỉ xuất hiện từ 5-15 ngày, tính từ lúc sữa non kết thúc. Càng về gần cuối chu kỳ tiết sữa chuyển tiếp, thành phần dinh dưỡng của sữa này càng tiết nhiều hơn và dần giống với sữa trưởng thành.

3. Sữa trưởng thành

Sữa trưởng thành có protein chỉ bằng một nửa sữa non nhưng lại giàu chất béo hơn. Sữa trưởng thành sẽ xuất hiện khi sữa chuyển tiếp kết thúc.

4. Sữa đầu bữa

Sữa đầu bữa là sữa được tiết ra trong đầu bữa bú của bé, thường có màu trắng trong và chứa nhiều đường, đạm, nước hơn so với sữa cuối bữa.

5. Sữa cuối bữa

Sữa cuối bữa là loại sữa được tiết ra vào cuối bữa bú của trẻ, có màu trắng đục do chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa.

Như vậy, tùy nhu cầu mà mẹ nên cho bé bú sữa đầu bữa và sữa cuối bữa để đảm bảo con hấp thu đầy đủ dưỡng chất.



Các bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bãi Cháy hướng dẫn cách cho con bú mẹ sau sinh.

Vì sao cần cho bé bú mẹ thường xuyên?

Theo bản năng, cơ thể của người mẹ sẽ tự động tạo ra sữa cho dù bé có bú hay không. Song, thường sau khoảng tuần đầu tiên, việc sản xuất sữa nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bú của trẻ. Do đó, muốn thiết lập và duy trì nguồn sữa lành mạnh, các bà mẹ cần cho con bú thường xuyên.

Việc cho con bú bằng sữa mẹ thường xuyên sẽ kích thích các dây thần kinh ở vú để gửi thông điệp đến tuyến yên trong não của mẹ. Tuyến yên tiết ra các hormone oxytocin và prolactin. Hormone prolactin có tác động đến tuyến sữa để tạo ra sữa mẹ, còn hormone oxytocin lại có nhiệm vụ báo hiệu phản xạ tiết sữa bằng cách làm cho các phế nang co lại và ép sữa mẹ vào ống dẫn sữa để cho bé bú.

Nếu mẹ cho con bú sau 1-3 giờ (ít nhất 8-12 lần một ngày), mức prolactin sẽ được tăng lên, từ đó kích thích việc sản xuất sữa nhiều hơn. Giai đoạn tạo sữa hoàn toàn này bắt đầu vào khoảng ngày thứ 9 sau khi sinh và kéo dài cho đến khi kết thúc thời kỳ cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách là nên cho bé bú mẹ đến khi nào?

Mẹ nên cho trẻ bú đến khi nào mẹ cảm thấy trẻ có thể sẵn sàng cho việc cai sữa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên, các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục cho con bú cùng với bổ sung thực phẩm thích hợp cho đến 2 tuổi hoặc sau đó.

Thời gian bú mẹ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người mẹ và nhu cầu bú của từng trẻ. Mẹ chỉ nên cai sữa khi nhận thấy các dấu hiệu bé đã sẵn sàng rời xa nguồn sữa mẹ, chẳng hạn như:

  • Bé đã ăn dặm tốt và ăn đa dạng các nhóm thực phẩm
  • Bé khỏe mạnh, tăng trưởng và phát triển tốt
  • Bé không có nhu cầu bú mẹ nữa
  • Bé có thể ngừng bú mà không quấy khóc, khát sữa mẹ dẫn đến lười ăn và sụt cân nhanh

Nuôi con bằng sữa mẹ tăng sức đề kháng của trẻ trước nỗi lo dịch chồng dịch

Theo Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia, Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, sữa mẹ có đặc tính kháng virus, giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại các virus gây cảm cúm, cảm lạnh thông thường, tiêu chảy, viêm màng não, viêm não và norovirus. 

Thậm chí, gần đây một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong sữa mẹ của những phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc từng tiêm phòng COVID-19 có thể giàu kháng thể chống lại loại virus này. Khi trẻ bú mẹ cũng sẽ được hưởng nguồn kháng thể truyền từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó theo nhiều nhà khoa học, các kháng thể đã được tìm thấy trong sữa mẹ của những phụ nữ được tiêm phòng cúm và ho gà khi đang mang thai. 


Con được bú mẹ sẽ tăng sức đề kháng phòng chống bệnh tốt hơn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp giảm đến 14 lần nguy cơ tử vong. Bú sữa mẹ giảm tỷ lệ đái tháo đường type II, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì 13%; Trẻ bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn trẻ không bú sữa mẹ (Horta, Loret De Mola et al. 2015). Ước tính, người mẹ cho trẻ bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể phòng ngừa được 20.000 ca tử vong do ung thư vú (Victora, Bahl et al. 2016).

Sữa mẹ cũng giúp trẻ chống nhiễm khuẩn tốt hơn nhờ chứa bạch cầu cùng nhiều kháng thể như: IgA, IgG, IgM mà các loại sữa khác không có được. Đây là yếu tố giúp tăng cường lợi khuẩn, bảo vệ trẻ khỏi nhiều căn bệnh như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não, nhiễm khuẩn tiết niệu..

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, với sự gia tăng cùng lúc nhiều loại bệnh khác nhau, việc trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trẻ dưới 1 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine phòng cúm mùa và COVID-19. Do đó, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng chưa đến độ tuổi ăn dặm, thì việc được bú mẹ hoàn toàn lại càng quan trọng hơn.

Sữa mẹ chính là nguồn thức ăn đầu đời hoàn hảo và trọn vẹn nhất, cung cấp đầy đủ tất cả những dưỡng chất quan trọng, cùng nguồn kháng thể mạnh mẽ để tạo nên tấm lá chắn vững chắc bảo vệ bé khỏi sự tấn công của dịch bệnh.


Phương pháp da kề da và cho con bú mẹ ngay sau sinh tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Hiện nay, Bệnh viện Bãi Cháy đang dụng phương pháp da kề da sau sinh và khuyến khích sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay từ khi trẻ chào đời. 100% ca sinh tại Bệnh viện bao gồm cả sinh thường và sinh mổ sẽ được thực hiện da kề da theo đúng quy trình chuẩn của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO, đảm bảo an toàn và khoa học. Việc được da kề da ngay sau sinh đúng cách cũng góp phần “gọi sữa về” nhanh hơn, để trẻ sớm được đón nhận những giọt sữa non quý giá của mẹ.

“Từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức thường niên từ ngày 1-7/8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2022 sẽ tập trung đẩy mạnh tính bền vững và liên tục của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhằm bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ; đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

Minh Khương