Hưởng ứng 30 năm Ngày Dân số thế giới 11/7
Năm 1994, tại Cairo, Ai Cập, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD) Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bố nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triến con người, kinh tế và xã hội.
Chăm sóc mẹ và bé tại khoa sản, Bệnh viện Bãi Cháy.
Trong 30 năm thực hiện
Chương trình hành động, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được
nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành
công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, cho đến nay tiếp tục duy trì xung
quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ
tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.
Cùng với đó, chất lượng
dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn
nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng,
tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải
thiện. Dân số đã có sự phân bố họp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công
nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng
nhận định công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức đó
là: nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn
quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số
giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết
vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó
khăn còn hạn chế.
Nhân sự kiện 30 năm thực
hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, chào mừng Ngày Dân số Thế
giới 11/7 năm 2024 tại Việt Nam với chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là
đầu tư cho phát triển bền vững", Bộ Y tế đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo Dân số
và Phát triển các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo Sở Y tế, sở, ban, ngành và
UBND cấp huyện tổ chức Lễ Mít tinh phát động, hưởng ứng với sự tham gia của các
sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự
chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các
tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.
Cùng đó chỉ đạo đẩy mạnh
các hoạt động truyền thông về dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng,
treo băng rôn, áp phích, tài liệu, tờ rơi với nội dung công tác dân số liên
quan đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước và của địa
phương trong hiện tại và tương lai (chủ đề và khẩu hiệu tuyên truyền đính kèm).
Bố trí kinh phí, huy
động các nguồn lực để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ về công tác dân số nói chung
và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; phân công nhiệm vụ, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số trên địa bàn.
Minh Khương