Giãn cách xã hội: Cảnh giác trẻ nhỏ ở nhà nuốt dị vật nguy hiểm

  • 2020/04/13 08:17

Trong tuần qua, các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng- Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã nội soi gắp dị vật đường tiêu hóa cho 02 trường hợp người bệnh không may nuốt phải dị vật.

Người bệnh Lại.T.T.H (15 tuổi, trú tại TP Hạ Long) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng cổ họng, nuốt thấy đau, vướng, cảm giác nghẹn, khó thở, không nói được. Trước đó, bệnh nhân ăn canh vịt vào bữa tối. Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh tăng đậm độ cản quang ngay dưới nắp thanh môn. Nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật đường thở nên sau khi thăm khám tại Phòng Cấp cứu, bệnh nhân lập tức được chỉ định nội soi tai mũi họng nhưng không phát hiện thấy dị vật vùng hầu họng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện thủ thuật nội soi thực quản dạ dày tá tràng can thiệp để kiểm tra, gắp dị vật ống tiêu hóa.

Các bác sĩ phát hiện dị vật màu trắng khoảng 2cm là mảnh xương vịt cắm vào thành thực quản tại vị trí cách cung răng trên 19cm. Kíp thực hiện thủ thuật đã dùng kìm gắp dị vật (có lắp hood bảo vệ) gắp xương ra ngoài an toàn. Sau gắp dị vật, bệnh nhân đỡ đau họng, không nuốt vướng, sức khỏe ổn định và được xuất viện về nhà.


Hình ảnh nội soi mảnh xương vịt trong thực quản bệnh nhân

Bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng cho biết: Dị vật cắm vào thành thực quản như xương vịt, xương cá, xương gà, dị vật kim loại sắc nhọn…có thể làm xây xước niêm mạc thực quản, rách hoặc thủng thành thực quản. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như loét thực quản, nặng hơn có thể thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Nếu dị vật đâm thủng mạch máu lớn trong lồng ngực hoặc viêm lan tỏa làm hoại tử các mạch máu lớn dẫn đến xuất huyết nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Dị vật lớn có thể chèn ép gây tắc đường thở và tử vong nhanh chóng.

Trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn.H.N (8 tuổi, trú tại Quảng Yên) bị câm điếc bẩm sinh. Bệnh nhi được phát hiện nuốt đai ốc vít nhưng không đau bụng, không khó thở nên được theo dõi 01 ngày tại nhà. Ngày thứ 2, trẻ xuất hiện đau bụng, quấy khóc và được người nhà đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy điều trị.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Hình ảnh chụp X-quang ổ bụng cho thấy dị vật cản quang ở vị trí L2-3. Bệnh nhi đã được chỉ định thực hiện nội soi can thiêp - gắp dị vật ống tiêu hóa. 

Quá trình nội soi tìm thấy dị vật tròn là chiếc đai ốc hình lục giác đường kính khoảng 2cm ở thân vị dạ dày phía bờ cong lớn. Kíp thực hiện thủ thuật đã gắp dị vật ra ngoài an toàn bằng vợt gắp dị vật, không có biến chứng chảy máu, không tổn thương đường tiêu hóa sau gắp dị vật.


Hình ảnh nội soi chiếc gắp chiếc đai ốc trong đường tiêu hóa của bệnh nhi

Theo bác sĩ Lê Thị Thắm – Khoa Thăm dò chức năng đánh giá: “Rất may mắn cho trường hợp bệnh nhi này vì chiếc đai ốc vít còn nằm ở đường tiêu hóa trên. Nếu không gắp kịp thời dị vật sẽ tiếp tục đi xuống đường ruột có khả năng gây tắc ruột, loét thủng đường tiêu hóa và nhiễm độc máu. Khi ấy bệnh nhi có thể phải trải qua phẫu thuật phức tạp và tốn kém hơn".

Do đó đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần kiểm soát được các vật dụng nhỏ, tránh cho trẻ cầm đưa vào miệng nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, các cháu nhỏ ở nhà nhiều ngày cần sự giám sát và chăm sóc của người lớn.


Khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Bãi Cháy thường xuyên thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hóa

Cũng theo khuyến cáo của bác sỹ, ngay khi bị hóc xương, cần chuyển bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế cấp cứu càng sớm càng tốt vì những trường hợp đến muộn sau 24h sẽ bắt đầu có hiện tượng nhiễm trùng thực quản, và sau 48h sẽ gây áp xe thành thực quản. Người dân cũng tuyệt đối không được tự ý chữa mẹo hoặc cố nuốt các loại thức ăn vì rất có thể sẽ làm dị vật găm sâu vào thành thực quản, thậm chí gây rách hoặc thủng thực quản. 

Mạc Thảo - Đình Hải