Điều trị bí tiểu thành công cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

  • 2019/05/13 20:14

Bí đái là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vừa qua, một bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối bị bí đái nghiêm trọng đã được các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bãi Cháy điều trị thành công.


Bệnh nhân là bà Vương.T.X (64 tuổi, Quảng Ninh) bị ung thư phổi giai đoạn IV di căn cột sống. Hơn 1 năm mắc bệnh ung thư, bà X từ chối mọi phương pháp can thiệp, điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị…, chỉ uống thuốc nam trị bệnh tại nhà. 1 tuần trước khi nhập viện, bà có triệu chứng bí tiểu, tê bì tay chân, một bên chân bị liệt, không thể chủ động sinh hoạt hàng ngày.  Tưởng như phải đặt xông tiểu trong suốt thời gian sống còn lại, căn bệnh bí tiểu của bệnh nhân đã được bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bãi Cháy điều trị thành công nhờ sự phối hợp các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu…Sau hơn 20 ngày điều trị, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể khi không phải phụ thuộc vào các dụng cụ y tế để có thể tiểu tiện bình thường.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bãi Cháy cho biết:”Trường hợp bệnh bí đái của bệnh nhân Vương.T.X do ung thư đã di căn vào xương, tủy sống gây rối loạn cơ tròn, tiên lượng rất xấu. Nếu hiện tượng bí đái không được cải thiện kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bí tiểu lâu  sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, căng tức bàng quang. Bí tiểu không được thông tiểu sẽ làm ứ đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm bàng quang, thậm chí bí tiểu cấp có thể gây vỡ bàng quang ảnh hưởng đến tính mạng. Thông thường, điều trị bí tiểu các bác sĩ Tây y sẽ thực hiện các thủ thuật như đặt thông niệu đạo, thông bàng quang… Nếu bệnh nhân phải đặt thông lâu ngày sẽ gây viêm nhiễm phần phụ, đường tiết niệu…dẫn đến việc điều trị kháng sinh rất tốn kém, ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của người bệnh. Do đó, việc điều trị hiệu quả bệnh bí đái bằng các phương pháp Y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, uống thuốc…mà không phải cần đến các phương pháp can thiệp ngoại khoa sẽ rút ngắn thời gian điều trị, tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho người bệnh”.

Trước đó, Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản đã điều trị hiệu quả, dứt điểm nhiều trường hợp bệnh nhân bị bí tiểu sau đẻ, sau phẫu thuật, bệnh nhân liệt sau tai biến, đột quỵ, chấn thương cột sống, sọ não, chấn thương vùng tiểu khung và bệnh nhân ung thư…bằng các phương pháp bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu…

Việc điều trị bí tiểu không thể nhanh vội, đòi hỏi thời gian và phương pháp trị liệu chuẩn xác, hiệu quả. Do đó, bệnh nhân cần đến các Bệnh viện chuyên khoa, kiên trì và tuân thủ phác đồ, quy trình điều trị của các bác sĩ.

Một số thông tin về bệnh bí tiểu:

Ở người bình thường đi tiểu là một phản xạ và theo ý muốn, có sự kết hợp hài hòa giữa sự co bóp mạnh của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của cổ bàng quang, dưới sự chi phối của hệ thần kinh trung ương, đồng thời không có sự gây cản trở gì ở bàng quang, niệu đạo. Bí tiểu xảy ra khi bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không thể tiểu được.

 

Nguyên nhân gây bí tiểu rất đa dạng, nếu thành bàng quang không co bóp đủ mạnh có thể do sự mất liên hệ với hệ thần kinh thực vật điều khiển tiểu tiện hoặc có thể do chấn thương cột sống hoặc do chấn thương vỡ xương chậu hoặc do bệnh của bàng quang (thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính hoặc bàng quang viêm cấp,  viêm mạn tính, hoặc do sỏi, u, túi thừa bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang...).

Một số trường hợp sỏi của bàng quang di chuyển đến bịt lỗ thông bàng quang với niệu đạo, gây cản trở lưu thông nước tiểu, thậm chí tắc hẳn gây bí tiểu. Bí tiểu có thể do viêm niệu đạo mạn tính gây xơ hóa, chít hẹp niệu đạo bởi do viêm nhiễm vì bệnh lậu hoặc bệnh do vi khuẩn Chlamydia (cả nam, cả nữ) hoặc xơ cứng niệu đạo do chấn thương làm giập, vỡ niệu đạo.

Ở nam giới bí tiểu còn có thể do bệnh của tiền liệt tuyến (viêm, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến hoặc u lành hoặc u ác tính) sẽ đè, chèn ép vào cổ bàng quang.

Ở nữ giới, bí tiểu, ngoài các nguyên nhân kể trên còn có thể do bệnh thuộc tiểu khung đè nén vào bàng quang (u xơ tử cung, u nang buồng trứng). Một số trường hợp bí tiểu nhất thời có thể là do tâm lý (đi tàu xe chật chội, ngồi họp với thời gian lâu,...).