Cứu sống Bệnh nhân ung thư sốc mất máu nguy kịch do vỡ u máu ruột non hiếm gặp

  • 2021/07/06 11:28

U máu (hemangioma) là một dạng u do sự phát triển quá mức của các tế bào mạch máu tại bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Đặc trưng của u chứa đầy mạch máu và máu nên khi u máu ở đường tiêu hóa bị vỡ có thể gây xuất huyết, sốc mất máu nguy hiểm đến tính mạng. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã phẫu thuật kịp thời cứu sống bệnh nhân ung thư vòm họng bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ u máu thể hang ở ruột non trong tình trạng sốc mất máu nguy kịch.

Bệnh nhân Đinh V C (52 tuổi, trú tại TX Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) khám tại Bệnh viện Bãi Cháy và được chẩn đoán ung thư vòm họng di căn hạch cổ. Trong thời gian điều trị ung thư, bệnh nhân xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng. 

Bệnh nhân được nội soi dạ dày – đại tràng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng nhưng không phát hiện tổn thương chảy máu. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa kết luận chẩn đoán sốc mất máu nghi do xuất huyết từ ruột non/K vòm di căn hạch cổ. Bệnh nhân được ekip của Thạc sĩ – Bác sĩ CKII Nguyễn Văn DũngTrưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện phẫu thuật cấp cứu, xử trí theo tổn thương.

 

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ u máu thể hang tại Bệnh viện Bãi Cháy

Quá trình phẫu thuật kiểm tra toàn bộ hỗng tràng trong lòng không có máu, hồi tràng và đại tràng chứa nhiều máu đen, quai hồi tràng cuối cùng cách góc hồi manh tràng khoảng 7cm có khối cứng chắc dạng u mạch máu ~1x2cm dị dạng vỡ gây xuất huyết vào trong lòng ruột non. Các bác sĩ đã cắt đoạn ruột non chứa u và lập lại lưu thông tiêu hóa. Kết quả giải phẫu bệnh khối u sau mổ xác định bản chất là u máu thể hang.

Sau 7 ngày hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

 

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật

Thạc sĩ – Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Trường hợp bệnh nhân này, khối u máu thể hang ở vị trí ruột non tương đối hiếm gặp và khó chẩn đoán trên hình ảnh nội soi dạ dày – đại tràng và cắt lớp vi tính ổ bụng vì kích thước u rất nhỏ. Đặc biệt u đã vỡ gây tình trạng chảy máu tiêu hóa, sốc mất máu nên làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. 

Chúng tôi phải truyền máu tích cực, ước tính lượng máu truyền cho người bệnh trước, trong, sau phẫu thuật lên tới 2200ml. Đồng thời tiến hành phẫu thuật cấp cứu nhanh chóng, thao tác phẫu tích chuẩn xác để xác định vị trí u, điểm chảy máu để cắt bỏ khối u vỡ, cầm máu kịp thời, giúp người bệnh thoát nguy kịch và kéo dài sự sống. ” 

Một lần nữa, với kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững vàng, các bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời, thành công đem lại sự sống cho người bệnh. Qua đó giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý nặng nề, phức tạp, hạn chế chuyển tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mạc Thảo – Nguyễn Văn Dũng