Chủ đề ngày thế giới phòng chống lao 24/03/2023 là: "Yes we can end tb"
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "YES! WE CAN END TB" (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Năm 2023 là một năm rất quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc, đây được coi là "năm của hy vọng" để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao. Chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu của WHO (Global TB Report) năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ. Chúng ta cũng biết rằng mặc dù đã tiến gần hơn đến việc đạt được một số mục tiêu về bệnh lao đề ra trong cuộc họp cấp cao của Liên Hợp quốc năm 2022, nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã được chứng kiến những nỗ lực đáng kinh ngạc của một số quốc gia nhằm khắc phục tác động nặng nề của COVID-19 đối với công tác phòng chống bệnh lao ở quốc gia họ. Chúng ta cũng thấy việc ưu tiên nghiên cứu và đảm bảo khả năng tiếp cận các chẩn đoán mới, phác đồ điều trị và phòng ngừa mới, các khuyến nghị và hướng dẫn mới. Chúng ta thấy được tiếng nói của những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao ngày càng được coi trọng và họ đóng vai trò trung tâm trong việc ứng phó với bệnh lao ở nhiều quốc gia.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG - WHO Report 2022 - Global Tuberculosis Control), đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là "VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO". Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Minh Khương