Cận thị học đường: Điều trị và phòng tránh như thế nào?!

  • 2022/10/13 02:52

Cận thị học đường là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh khi tỷ lệ mắc cận thị học đường ngày một tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và sinh hoạt của trẻ em.

Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay, người cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần, khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, năm 2020, cả nước có trên 6 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc tật khúc xạ. Trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40%, tập trung chủ yếu ở thành thị. Nguyên nhân dẫn đến cận thị gồm 2 nguyên nhân chính:

- Cận thị di truyền: chiếm tỉ lệ thấp, do bố mẹ cận thị và có độ cận cao trên 6 diop. Cận thị di truyền thường tiến triển nhanh kèm theo các biến chứng như bong võng mạc, glocom.

- Cận thị học đường: do thói quen của học sinh như xem điện thoại, ti vi nhiều, khoảng cách khi học bài quá ngắn. Trẻ ngồi không đúng tư thế, học không đủ ánh sáng. Nguyên nhân chính là trẻ quen với việc điều tiết nhìn gần nên rất khó để thích nghi khi nhìn xa. 

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khám cận thị học đường cho trẻ

Dấu hiệu của cận thị học đường rất dễ nhận biết. Đối với các bạn nhỏ, thường khi xem ti vi trẻ sẽ tiến lại gần ti vi hơn hoặc khi đọc sách, học bài trẻ thường cúi sát mặt xuống. Nhiều trẻ có biểu hiện nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi học bài hoặc xem ti vi, nhiều trẻ có thể đọc nhầm dòng, sai dòng, viết không chính xác. 

Đối với trẻ lớn, khi bị cận thị trẻ thường có dấu hiệu của mỏi điều tiết, nhức mắt, chảy nước mắt. 

Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, sinh hoạt: trẻ sẽ bị hạn chế về độ nhìn, ảnh hưởng kết quả học tập, sinh hoạt. Ngoài ra nếu cận thị cao mà không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Đây là tình trạng trẻ có đeo kính nhưng thị lực cũng không lên được tối đa. Ngoài ra cận thị cao cũng kéo theo nhiều biến chứng như: bong võng mạc, thoái hoá dịch kính, hoá lỏng dịch kính, bệnh lý glocom…Những bệnh lý này cần phát hiện kịp thời để đưa ra hướng xử lý.

 BS Hoàng Thị Luyến – Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Phương pháp phẫu thuật hiện đại đối với cận thị là phương pháp mổ lasic (SBK Lasik, Femtosecond Lasik, Relex Smile) và phương pháp mổ thể thuỷ tinh áp dụng cho những trường hợp độ cận quá cao, không thể áp dụng mổ lasic được. Phẫu thuật cận thị tiến hành đối với trẻ trên 18 tuổi, trong vòng 6 tháng đầu độ cận không được tăng, không thay đổi. Trẻ phải trải qua quá trình thăm khám và đánh giá độ cận. Nếu độ cận quá cao trên 10 và độ loạn trên 5 thì can thiệp phẫu thuật sẽ không hết được độ khúc xạ của trẻ. Nếu độ dày giác mạc quá mỏng hoặc tổn thương nội mô, tế bào nội mô của trẻ quá ít thì cũng không thể can thiệp được. Khi lựa chọn phẫu thuật tật khúc xạ cho trẻ sẽ có những ưu, nhược điểm như sau:

- Ưu điểm: Khi trẻ phẫu thuật rồi thì trẻ sẽ sinh hoạt bình thường, không phải sử dụng kính nữa.

- Nhược điểm: Đối với phương pháp mổ SBK Lasik là phương pháp tạo vạt dùng dao nên sau phẫu thuật có thể có một số tai biến như lệch vạt, nhiễm trùng vạt. Phương pháp Femtosecond Lasik dùng tia lase, hạn chế được nhược điểm đó. Phương pháp Relex Smile là phương pháp tối ưu nhất bây giờ, không can thiệp vào giác mạc, không tạo vạt. Tuy nhiên một số tác dụng phụ, tai biến muộn của những phương pháp phẫu thuật là khô mắt. Do khi can thiệp phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm của mắt, lâu dài sẽ có cảm giác khô mắt nên sau mổ sẽ phải dùng nước mắt nhân tạo kéo dài. Vấn đề cần lưu ý là cận thị tái phát sau phẫu thuật xảy ra với trường hợp chỉ định phẫu thuật quá sớm mà độ cận chưa ổn định, vẫn có thể tăng sẽ xuất hiện cận thị tái phát. 


Trẻ khám cận thị học đường tại Phòng khám Mắt của Bệnh viện Bãi Cháy

Phẫu thuật cận thị là phương pháp để không phải sử dụng kính hoặc bất lợi khi trẻ đeo kính. Đối với biến chứng của cận thị cao hoặc cận thị thoái hoá thì phẫu thuật cũng không thể giải quyết triệt để”.

Bệnh viện Bãi Cháy hiện tại có 1 phòng khám khúc xạ dành riêng cho trẻ cận thị, một phòng nhược thị riêng dành cho trẻ cận thị cao có biểu hiện nhược thị. Trẻ được bác sĩ chuyên khoa mắt khám và điều trị cận thị bằng phương pháp kính gọng. 



Trẻ được đo tật khúc xạ tại Phòng khám khúc xạ của Bệnh viện Bãi Cháy

Chung tay phòng chống cận thị học đường, hằng năm Bệnh viện Bãi Cháy cũng thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố như Trường tiểu học Lý Thường Kiệt khám sàng lọc cận thị học đường, thực hiện chuyên đề ngoại khóa chăm sóc sức khỏe mắt cho hàng nghìn học sinh. Qua đó giúp nhà trường, phụ huynh nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các chủ nhân tương lai của đất nước, giúp các em học sinh thay đổi thói quen sinh hoạt và học tập một cách thích hợp để có thể chất khỏe mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nhà trường có chất lượng cao, giáo dục và rèn luyện học sinh mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, giàu có về tâm hồn. 


Hằng năm Bệnh viện Bãi Cháy phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố khám sàng lọc tật khúc xạ cho trẻ 

Theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa mắt, Bệnh viện Bãi Cháy, có nhiều biện pháp phòng tránh và điều trị cận thị học đường. Theo đó, các bậc phụ huynh cần cho trẻ thăm khám định kỳ mắt 6 tháng/lần, nếu bị cận thị cần điều trị sớm để có kết quả tốt nhất.

- Trẻ nếu bị cận thị cần lưu ý sử dụng kính trong quá trình học tập. Sau tiết học 45p sau đó cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi bằng các cách: nhắm mắt 20 giây, bỏ kính và đưa mắt ra ngoài phòng học, nhìn ra ngoài để mắt thư giãn, nghỉ ngơi.

- Hạn chế điện thoại, ti vi đặc biệt là thói quen nằm đọc sách, ảnh hưởng nhiều đến độ tiến triển của cận thị.

- Dinh dưỡng: cần tăng cường chế độ ăn rau xanh, hoa quả có màu vàng như gấc, cà rốt.

Mạc Thảo