Bệnh viện Bãi Cháy: Rút máu cứu sống cụ bà 91 tuổi mắc bệnh đa hồng cầu
Bệnh đa hồng cầu là một căn bệnh ác tính ở tế bào máu làm cho số lượng hồng cầu trong cơ thể vượt ngưỡng bình thường gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện kĩ thuật rút máu trên người bệnh đa hồng giúp người bệnh 91 tuổi bị viêm phổi nặng, tăng huyết áp thoát nguy kịch.
Đa hồng cầu là một bệnh về máu hiếm gặp, trong đó tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Khi lượng tế bào hồng cầu cao hơn bình thường thì máu sẽ cô đặc, dẫn tới sự lưu thông bị trì trệ, thậm chí là tắc nghẽn trong hệ tuần hoàn. Điều này làm tăng nguy cơ đóng cục trong mạch máu, ngưng máu đến ruột, tim, não...và gây nhồi máu hoặc đột quỵ...
Người bệnh được chẩn đoán bệnh đa hồng cầu có: Hematocrit >0,45(l/l) ở nam và > 0,42(l/l) ở nữ.
Mục tiêu điều trị đa hồng cầu chủ yếu làm giảm độ đặc của máu và tránh các tai biến do tăng độ quánh máu gây ra. Trong đó, rút máu là kỹ thuật phổ biến thường dùng để làm giảm số lượng tế bào hồng cầu.
Thực hiện quy trình rút máu khẩn cấp cứu điều trị đa hồng cầu cho người bệnh cao tuổi
Bệnh nhân Phạm T T (nữ, 91 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) điều trị tại Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Bãi Cháy với biểu hiện ho, sốt, đau ngực, huyết áp cao (200/ 100 mmHg). Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số hematocrit tăng vượt ngưỡng bình thường là 0,7 (l/l) ( Bình thường: 0,37- 0,48 L/L ở nam và nữ), chỉ số hồng cầu 8,85 T/l ( Bình thường: 4.0 – 4.9 T/l ở nữ và 4.2- 5.4 T/l ở nam). Dựa trên kết quả lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn đa chuyên khoa Hô Hấp – Ung bướu – Huyết học thống nhất chẩn đoán Cơn tăng huyết áp – viêm phổi nặng – đa hồng cầu/ u phổi . Bệnh nhân được chỉ định rút máu khẩn cấp, kiểm soát huyết áp, điều trị viêm phổi theo phác đồ.
Bác sĩ CKI Phạm Thị Út Trang – Phụ trách Khoa Nội Hô Hấp – Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Trường hợp người bệnh cao tuổi, cùng lúc mắc nhiều bệnh lý nặng nề như tăng huyết áp, viêm phổi nặng, cơn đau thắt ngực, đa hồng cầu thì việc rút máu cần thực hiện sớm nhất để kiềm chế tình trạng tăng tế bào hồng cầu vượt mức trung bình, kiểm soát huyết áp, tránh nguy cơ biến chứng tắc mạch dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.”
Sau khi rút máu hai lần với khoảng 2 đơn vị máu (250ml/1 đơn vị), chỉ số hematocrit giảm còn 0,48 (l/l), hồng cầu 5,9 (T/l) . Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định sau khi được điều trị đa hồng cầu, tăng huyết áp, viêm phổi tại Bệnh viện Bãi Cháy
Bệnh đa hồng cầu có nguyên nhân thứ phát (do Erythropoietin – hormone thiết yếu tạo ra hồng cầu từ mô dòng hồng cầu trong xương tủy – tăng bất thường, đặc biệt là ở những người sống ở nơi cao, nghiện thuốc lá hay những người mắc bệnh về tim mạch, phổi thận) hoặc nguyên phát (do đột biến gen hoặc di truyền, dẫn tới hồng cầu cao bất thường).
Ở giai đoạn đầu, da của bệnh nhân sẽ đỏ lên ở mặt hoặc các đầu ngón tay khi làm việc qua sức. Ở giai đoạn sau, bệnh biểu hiện rõ rệt hơn như: da đỏ, ngứa người sau tắm, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn ngủ, chảy máu cam, đau xương ức, ra nhiều mồ hôi, mất sức, sụt cân, xuất huyết tiêu hóa…
Để phòng tránh bệnh đa hồng cầu, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo: Duy trì chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, tránh hút thuốc lá, ăn nhiều rau củ xanh, uống đủ nước, tránh làm việc quá sức, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Mạc Thảo – Út Trang