Bệnh viện Bãi Cháy kích hoạt báo động đỏ giành sự sống cho hai bệnh nhân vỡ tạng nguy kịch

  • 2020/01/22 05:14

Nhờ kích hoạt quy trình “báo động đỏ” kịp thời, Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp cứu sống hai trường hợp bệnh nhân vỡ tạng thoát “cửa tử”.

Bệnh nhân Lê Văn Tài (Quảng Ninh) bị tai nạn trong sinh hoạt nhập viện ngày 12/1 trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc tái nhợt, đau nhiều vùng bụng. Kết quả thăm khám lâm sàng, siêu âm, chụp CT phát hiện chấn thương bụng kín, vỡ lách độ IV, dịch máu ngập ổ bụng. 

Trước tình trạng bệnh nhân ngày càng nguy kịch, nguy cơ tử vong do sốc mất máu cao, kíp trực cấp cứu ngay lập tức đã kích hoạt báo động đỏ nội viện. Bệnh nhân được đẩy thẳng phòng mổ trong 5 phút. Kíp bác sĩ liên Khoa Ngoại, Gây mê hồi sức chóng tập hợp trong vài phút để cùng phối hợp hồi sức, phẫu thuật xử trí tổn thương vỡ tạng. Cùng với đó, khoa xét nghiệm được thông báo thực hiện quy trình truyền máu cấp cứu. 


Bệnh nhân Lê Văn Tài bình phục tốt sau phẫu thuật vỡ lách

Chỉ sau 20 phút tính từ khi vào bệnh nhân nhập viện bệnh nhân đã được phẫu thuật và khoảng 30 phút sau bệnh nhân được truyền máu. 

Với tinh thần quyết tâm cứu sống người bệnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, tay nghề chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ, trong 30 phút, bệnh nhân đã được khâu cầm máu vỡ tạng nhanh chóng, kiểm soát được tình trạng mất máu, bảo tồn được lá lách và thoát nguy cơ tử vong. 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, tiếp xúc tốt, có thể đi lại bình thường.

“Đây là ca phẫu thuật bảo tồn lá lách hiếm gặp. Thông thường với những chấn thương vỡ lách độ IV thì phẫu thuật cắt lá lách để cầm máu, bảo toàn tính mạng cho người bệnh thường được chỉ định. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân Lê Văn Tài chúng tôi đã khâu cầm máu khẩn trương và thành công. Rất may mắn cho người bệnh vì nhờ quy trình báo động đỏ, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, rút ngắn nhanh chóng. Thời gian từ lúc nhập viện đến khi được phẫu thuật chỉ mất 30 phút. Nhờ đó tăng tỉ lệ thành công cứu sống người bệnh nguy kịch”. – Bác sĩ CKI Nguyễn Thái Bình –Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Trường hợp khác là bệnh nhân Hà Văn Bộ (1992, Quảng Ninh) bịtainạn giao thông được cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy ngày 13/1. Bệnh nhân trong tình trạng vật vã kích thích, da niêm mạc nhợt, bụng chướng và đau dữ dội. Các bác sĩ đã nhanh chóng làm các xét nghiệm, chụp CT cho thấy ổ bụng bệnh nhân nhiều dịch máu, vỡ gan độ IV có tổn thương mạch máu. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, khả năng tử vong do sốc mất máu cao, quy trình báo động đỏ toàn viện được kích hoạt. Ngay khi nhận được tín hiệu báo động đỏ, chỉ trong 5 phút, các bác sĩ liên khoa Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực, Ngoại đã có mặt để thăm khám, hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp mạch DSA để tiến hành nút mạch cầm máu chấn thương vỡ gan. Khoa xét nghiệm được thông báo thực hiện quy trình truyền máu cấp cứu. 


Thăm khám cho bệnh nhân Hà Văn Bộ sau nút mạch gan vỡ

Với sự hội chẩn liên khoa khẩn trương và chỉ định nút mạch kịp thời, và truyền máu kịp thời, bệnh nhân đã tránh được cuộc mổ cắt gan lớn với nhiều rủi ro và tai biến tiềm ẩn như mất máu, nhiễm trùng vết mổ…, kiểm soát hoàn toàn tình trạng mất máu do vỡ gan, bảo tồn tạng gan bị tổn thương. Ca nút mạch diễn ra trong khoảng 30 phút và bệnh nhân tỉnh ngay sau 24 can thiệp, huyết động ổn định, tiếp xúc tốt.

Báo động đỏ quy trình cấp cứu người bệnh nguy kịch

Theo quy trình cấp cứu thông thường, người bệnh trước khi được phẫu thuật cần phải thực hiện lần lượt từng khâu từ nhập thông tin hành chính, thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chuẩn bị phòng mổ và thực hiện phẫu thuật. Quy trình này diễn ra tối thiểu 1 giờ đồng hồ vô tình giảm tỷ lệ cứu sống đối với những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao.

Do đó, báo động đỏ là quy trình thực hiện cấp cứu khẩn cấp trong các trường hợp nguy kịch cần phối hợp các chuyên khoa ngay lập tức, để thực hiện cấp cứu một tốt nhất cho người bệnh. Quy trình này được áp dụng trong các trường hợp tính mạng bệnh nhân được tính bằng phút, việc cấp cứu, cũng như can thiệp cần sự phối hợp ngay lập tức của các chuyên khoa như: vết thương tim, vết thương mạch máu lớn, Shock mất máu do vỡ tạng.... 

Khi báo động đỏ được kích hoạt bác sĩ cấp cứu, bác sĩ hồi sức, bác sỹ ngoại, khoa gây mê, khoa hồi sức, bác sĩ can thiệp mạch cần có mặt ngay trong vòng 5 phút xử trí cấp cứu, với ưu tiên đảm bảo hô hấp tuần hoàn, can thiệp, truyền máu trong thời gian sớm nhất. Nhờ đó rút ngắn quy trình tiến hành phẫu thuật/ can thiệp, tăng khả năng cứu sống cho người bệnh.

Những trường hợp bệnh nhân nguy kịch ở tuyến dưới, Bệnh viện sẽ kích hoạt báo động đỏ nội viện từ xa để hỗ trợ sơ cấp cứu tạm thời và thông tin đến các khoa phòng có liên quan chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi người bệnh được chuyển về bệnh viện.

Như vậy, Quy trình báo động đỏ được triển khai đã chuẩn hóa một loạt quy trình cấp cứu khẩn cấp như quy trình truyển máu cấp cứu, quy trình thực hiện y lệnh miệng... giúp nâng cao cơ hội sống cho những bệnh nhân nguy kịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân của bệnh viện Bãi Cháy, sở Y tế Quảng Ninh, cũng như ngảnh Y tế cả nước. Nhờ đó nối dài sự sống, củng cố niềm tin của người dân vào năng lực trình độ của y bác sĩ và chất lượng dịch vụ y tế tại tỉnh Quảng Ninh.

Mạc Thảo – Thái Bình – Minh Tuân - Đình Hải