Bệnh viện Bãi Cháy: Cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp do nhiễm giun lươn toàn thể

  • 2021/06/17 16:24

Ấu trùng giun lươn kí sinh trong cơ thể người nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng tử vong. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã cứu sống một bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp do viêm phổi, nhiễm giun lươn toàn thể trên nền bệnh tai biến mạch máu não cũ, gout, suy giảm miễn dịch đe dọa tử vong.

Bệnh nhân Nguyễn V D (sinh năm 1969, trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được chuyển từ Trung tâm Y tế TP Móng Cái đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng mệt, khó thở hai thì, nổi vân tím toàn thân, ho đờm đục, sốt rét run, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp và duy trì vận mạch. Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, di chứng yếu nửa người phải, đái tháo đường không điều trị, Gout và suy giảm miễn dịch. 

 

Bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức Tịch cực & Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân bị nhiễm giun lươn toàn thể

Các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả CT scan có hình ảnh xẹp nhu mô thùy dưới phổi phải, đông đặc thùy dưới phổi trái, dịch khoang màng phổi phải, nội soi phế quản có nhiều đờm đục trong lòng phế quản hai bên. Kết quả nuôi cây đờm, phân có có ấu trùng giun lươn. 

Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp do viêm phổi, nhiễm giun lươn toàn thể trên nền bệnh tai biến mạch máu não cũ, gout, suy giảm miễn dịch, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh liều cao, thuốc trị giun lươn Albendazole và thuốc vận mạch. 

Sau 12 ngày điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân thoát nguy kịch, tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, không còn ấu trùng giun lươn trong cơ thể.

 

Bệnh nhân thoát nguy kịch, tỉnh táo, không còn ấu trùng giun lươn trong cơ thể

Bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức Tịch cực & Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Ấu trùng giun vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, chúng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc các phủ tạng khác. Giun lươn ký sinh ở hệ thần kinh gây trung ương gây các cơn đau đầu, đau cổ gáy, sốt, co giật, nói nhảm, mất trí nhớ, rối loạn ý thức, hôn mê…; ký sinh ở đường thở gây viêm phổi, nấm phổi, suy hô hấp…; ký sinh ở đường tiêu hóa tiêu hóa gây buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, mất nước, sụt cân, thiếu máu, nhiễm trùng máu… 

Nếu người nhiễm giun lươn có miễn dịch tốt thì không hoặc ít có triệu chứng. Ở những người bệnh suy giảm miễn dịch kèm nhiều bệnh lý nền nặng nề như trường hợp bệnh nhân Nguyễn V D, giun lươn lập tức bùng phát tấn công cơ thể, dẫn đến hội chứng tăng nhiễm giun lươn (Hyperinfection) và nhiều vi trùng mang theo gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng nặng. Người bệnh rất dễ tử vong do biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy đa tạng…”

Theo ước tính có đến 80% người bệnh nhiễm giun lươn tử vong nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Với kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững vàng cùng trang thiết bị hồi sức cấp cứu hiện đại, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã thành công cứu bệnh nhân thoát cửa tử. Để phòng tránh nhiễm giun lươn, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo:

Người dân cần vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh thường xuyên, có ý thức thực hiện vệ sinh thân thể tốt như: rửa tay sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đi làm về…

Tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, hạn chế ăn rau sống chưa rửa sạch, các món gỏi từ hải sản, thịt sống…. Định kỳ thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tẩy giun.

Khi tiếp xúc với đất, với vật nuôi, người dân cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, giày dép chuyên dụng.

Người dân cần cần chủ động nâng cao sức đề kháng để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa khi có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm./.

Mạc Thảo – Lê Tiến Dũng