Bệnh viện Bãi Cháy: Chung tay hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Ngày 2/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ, mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Xuất phát từ việc chứng tự kỷ ở trẻ ngày càng gia tăng, Bệnh viện Bãi Cháy đã đưa đơn nguyên Tâm bệnh vào hoạt động vào tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ điều trị cho các trẻ mắc bệnh này.
Tháng 1-2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra.
Rối loạn tự kỷ là một khuyết tật phát triển, khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ và được đặc trưng bởi những bất thường về: tương tác xã hội; giao tiếp; hành vi, sở thích, hoạt động giới hạn, lặp đi lặp lại. Tự kỷ là một rối loạn mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ, hành vi cũng như khả năng học tập, sinh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ sau này.
Thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cử nhân lực bác sĩ, điều dưỡng viên đi học chuyên khoa tâm bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. Tháng 4/2021, đơn nguyên Tâm bệnh thuộc Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy chính thức đi vào hoạt động đã tiếp nhận điều trị can thiệp cho khoảng 50 trẻ tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ .
Khám sàng lọc rối loạn tự kỷ cho trẻ tại Bệnh viện Bãi Cháy
Bác sĩ Nguyễn Thị Như Trang – Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Triệu chứng lâm sàng của rối loạn tự kỷ ở trẻ biểu hiện rất đa dạng, bao gồm suy giảm chất lượng tương tác xã hội (trẻ ít giao tiếp bằng mắt, khó khăn khi biểu đạt cảm xúc, phớt lờ, ít đáp lại khi được gọi tên, thích chơi một mình, kém sự chú ý);
Suy giảm chất lượng giao tiếp (chậm nói, nói ít, phát âm vô nghĩa, diễn đạt kém, nói ngược, nói nhại lời, nói nhanh, nói không rõ ràng, không dùng cử chỉ, điệu bộ để hỗ trợ lời nói giao tiếp);
Hành vi, thói quen, sở thích bất thường, lặp đi lặp lại. Trẻ có thể có những hành vi định hình như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, cho tay vào miệng, vỗ tay, chạy đi chạy lại, nhảy lên nhảy xuống...; tìm kiếm sự an toàn trong môi trường ít biến đổi và thường chống đối lại sự thay đổi bằng cách ăn vạ, ném phá, cáu gắt, đập đầu, cắn hoặc đánh người...
Ngoài ra trẻ có các triệu chứng khác và rối loạn đi kèm như tăng động, hành vi tự làm đau mình hoặc gây hấn, rối loạn điều hòa cảm giác, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm...”
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, trẻ có nguy cơ sẽ được khám sàng lọc, đánh giá thông qua bộ công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ em (Denver II: Cá nhân xã hội; vận động tinh; vận động thô; ngôn ngữ), bảng hỏi sàng lọc nguy cơ tự kỷ (M-CHAT) ( trẻ 16-30 tháng), chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ theo tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ DSM-V, mức độ tự kỷ CARS. Trên cơ sở biểu hiện của từng trẻ mà các bác sĩ sẽ xây dựng chương trình can thiệp riêng cho từng nhóm trẻ hoặc từng cá nhân cụ thể trên nguyên tắc “sớm, ngay khi nghi ngờ mà không đợi chẩn đoán xác định”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Như Trang, Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Tự kỷ là rối loạn mạn tính, không khỏi hoàn toàn, tuy nhiên khi được can thiệp đặc biệt can thiệp sớm trong “giai đoạn vàng” trước 3 tuổi thì sẽ cải thiện rõ rệt các khiếm khuyết của trẻ vì não bộ trẻ đến 3 tuổi đã hoàn thiện 90%. Những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ mắc tự kỷ trước 24 tháng tuổi mà bố mẹ có thể quan sát gồm: Không bập bẹ khi 12 tháng tuổi; Không biết ra hiệu: chỉ tay, vẫy tay, bắt tay… khi 12 tháng tuổi; Không nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; Không tự nói câu hai từ khi 24 tháng tuổi (không tính việc trẻ lặp lại lời nói); Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Mục tiêu chính của can thiệp/điều trị rối loạn tự kỷ là hạn chế tối đa các khuyết tật, tăng cường hoạt động chức năng chủ động và chất lượng cuộc sống của trẻ, qua đó làm giảm bớt gánh nặng và căng thẳng trong gia đình, tạo điều kiện học tập và phát triển.”
Can thiệp tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hòa nhập xã hội cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Bãi Cháy
Hiện tại, Bệnh viện Bãi Cháy đã triển khai các phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỉ như: Can thiệp tác động lên hành vi: ABA (dạy trẻ kĩ năng, hành vi mới), PECS (phát triển giao tiếp chức năng nhanh, lời nói); Can thiệp bằng thuốc an thần giảm hành vi thách thức; Can thiệp khác như: điều hòa cảm giác, tâm vận động; dạy kĩ năng xã hội…Can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý, giáo dục mang lại những thay đổi rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hoà nhập xã hội cho trẻ.
Mỗi trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Dù công việc nhiều áp lực nhưng mỗi y bác sĩ luôn nỗ lực điều trị can thiệp, đề cao tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm để giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều dưỡng Đặng Minh Phương, Khoa Nhi, Bệnh viện bãi Cháy chia sẻ: “Đối với nhân viên y tế điều trị cho trẻ tự kỉ đòi hỏi mỗi điều dưỡng viên phải có tính nhẫn nại, giàu tình yêu thương trẻ. Mỗi trẻ có biểu hiện triệu chứng tự kỷ khác nhau đòi hỏi điều dưỡng viên phải hiểu được khó khăn của trẻ, đề ra mục tiêu, kế hoạch giảng dạy, điều trị phù hợp với từng trẻ, thái độ có khi phải mềm mỏng, có khi phải nghiêm khắc. Đồng thời chúng tôi cũng phải thường xuyên nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiệu quả trong phát hiện, trị liệu cho trẻ rối loạn tự kỷ”.
Để trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể từng bước hòa nhập cộng đồng, theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, ngoài các phương pháp can thiệp và sự hỗ trợ của bác sĩ, điều dưỡng, sự quan tâm, yêu thương, nỗ lực từ phía gia đình và xã hội cũng là yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ, giúp các em có thể học tập, hòa nhập, phát triển những khả năng của trẻ tốt hơn.
Mạc Thảo