Bệnh viện Bãi Cháy: Can thiệp mạch vành cứu sống cụ ông 82 tuổi nhồi máu cơ tim

  • 2021/06/09 11:50

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Liên tiếp ba tháng qua, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp rất nguy kịch. Mới đây, các bác sĩ đã kịp thời can thiệp mạch vành cứu sống cụ ông 82 tuổi khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Bệnh nhân Nguyễn V L 82 tuổi (trú tại TX Quảng Yên, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh Gout mạn tính, biến dạng khớp bàn tay, bàn chân, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi, khó thở, mạch 50 lần/phút, huyết áp 90/60 mmHg. Kết quả điện tim tại giường ghi nhận rối loạn nhịp block nhĩ thất độ 3 (Block A/V độ 3), ST chênh lên 4mmm ở các chuyển đạo sau dưới. Căn cứ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, tiên lượng tử vong nếu không xử trí kịp thời.

 

Hình ảnh điện tim của người bệnh trước và sau can thiệp

Ekip bác sĩ cấp cứu đã xử trí dùng thuốc kháng tiểu cầu, statine liều nạp đồng thời khởi động báo động đỏ nội viện động sự phối hợp của các bác sĩ Tim mạch Hồi sức tích cực, Gây mê. Bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng tim mạch can thiệp cấp cứu. 

Kết quả chụp động mạch vành dưới hệ thống số hóa xóa nền DSA  cho thấy hình ảnh hẹp 99% đoạn III của động mạch vành phải do huyết khối. Thạc sĩ - bác sĩ Trần Văn Quý – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy – trưởng kíp can thiệp đã thực hiện hút huyết khối, tái thông động mạch vành, đặt 1 stent phủ thuốc vào đoạn mạch bị tắc. 

Ca can thiệp diễn ra thuận lợi trong 45 phút. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân hết đau ngực, khó thở, thoát tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, chỉ số sinh tồn ổn định, có thể đi lại, giao tiếp bình thường sau 3 ngày.

 

Hình ảnh chụp mạch vành của bệnh nhân trước và sau can thiệp

Bệnh nhồi máu cơ tim cấp thường gặp ở những bệnh nhân ở trong tuổi trung niên, cao tuổi có các bệnh lý kết hợp như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, ít hoạt động thể dục thể lực… Nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp, tai biến do tắc mạch, vỡ tim, đột tử… dẫn đến tử vong. 

Áp dụng kĩ thuật chụp và can thiệp mạch vành dưới sự hỗ trợ của hệ thống số hóa xóa nền DSA từ năm 2015, các bác sĩ can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Bãi Cháy đã tận dụng “thời gian vàng” xử trí cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim. Nhờ đó mang lại sự sống cho người bệnh nguy kịch ngay tại địa phương, giúp người bệnh rút ngắn thời gian hồi phục và tiết kiệm chi phí điều trị bệnh.

 

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Văn Quý – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho người bệnh sau can thiệp

 

Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, có thể đi lại sau 3 ngày can thiệp

Theo lời khuyên của bác sĩ Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy, để giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Ngoài ra, người dân cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng của nó.

Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đau tức vùng ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng… thì cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim kịp thời.

Mạc Thảo – Trần Văn Quý