Chuyên gia khuyến cáo cách phòng chống bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao thứ 4 ở nước ta

  • 2024/03/04 01:10

Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư thường gặp tại châu Á và đứng thứ 4 tại Việt Nam. Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng hầu như không có dấu hiệu. Khi có triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau bụng thì đa phần đã ở giai đoạn muộn, có di căn.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan - Mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại hội thảo kỹ thuật nâng cao trong nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD) điều trị ung thư sớm đại trực tràng diễn ra ngày 2/3 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cũng như thế giới, đặc biệt trong xử trí các trường hợp phức tạp trong ESD đại trực tràng.


PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan - Mật, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: việc tầm soát ung thư đại trực tràng rất quan trọng để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng phát hiện ở giai đoạn muộn

Theo chuyên gia, các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến hiện nay, đứng đầu là ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Khi ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân hồi phục nhanh. Ngược lại, người bệnh phát hiện muộn thường phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn (nội soi hoặc mổ mở), việc điều trị phức tạp hơn.

"Ở nước ta, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn rất muộn, khi đã có triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau bụng nên tỷ lệ sống sót sau 5 năm không cao. Vì thế, việc tầm soát ung thư đại trực tràng rất quan trọng để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm"- PGS.TS Nguyễn Công Long nói và nhấn mạnh thêm: Đặc biệt các tổn thương tiền ung thư hay quen gọi là các polyp đại trực tràng khi phát hiện sớm chúng ta hoàn toàn có thể cắt bỏ, nhờ đó chữa khỏi cho người bệnh.

TS Long cho biết thêm, với hệ thống máy nội soi hiện đại, các chuyên gia có thể đánh giá được tiên lượng các tổn thương khá chính xác là lành tính hay ác tính, xâm lấn niêm mạc hay dưới niêm mạc, có thực hiện được kỹ thuật ESD hay không.

"Khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi đại tràng để cắt tách dưới niêm mạc tức là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi. Đây là một can thiệp tối thiểu, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà bệnh nhân không cần thời gian nghỉ dưỡng quá lâu. Với kỹ thuật ESD, thời gian nằm viện giảm xuống"- TS Long nói.

Được biết, kỹ thuật này đã thực hiện ở nước ta 5 năm tuy nhiên, trong quá trình thực hành lâm sàng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tổn thương ở vị trí khó, tỷ lệ biến chứng vẫn còn cao. Vì thế, tại hội thảo các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật ESD cắt các tổn thương tiền ung thư tiêu hóa.

Làm gì để phòng tránh mắc ung thư đại trực tràng?

Mặc dù ung thư đại trực tràng đứng trong top 5 về tỷ lệ ca mắc mới và tỷ lệ tử vong tại Việt Nam và nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng cũng có thể điều trị và chữa khỏi tới hơn 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Nếu gặp phải những dấu hiệu dưới đây, người mắc cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm nhằm giảm thiểu nguy cơ phát hiện muộn:

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài;
  • Chán ăn, khó tiêu, đầy bụng trên vùng rốn, ăn không ngon khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân, suy nhược;
  • Đi ngoài nhiều lần;
  • Giảm cân bất thường;
  • Rối loạn bài tiết phân, đi táo, đi lỏng thất thường;
  • Xuất hiện máu trong phân.

Theo các chuyên gia ở giai đoạn sớm, bệnh hầu như không có triệu chứng. Tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong lớp lót bên trong của thành đại trực tràng (tế bào u mới phát triển ở lớp niêm mạc chưa xâm lấn qua màng đáy).


Các dấu hiệu nguy hiểm của ung thư đại trực tràng

Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng như: chế độ sinh hoạt không điều độ, yếu tố môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng.

PGS.TS Nguyễn Công Long cho biết, những đối tượng cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, một số nước khuyến cáo trên 45 vì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng theo tuổi. Nếu không phát hiện bất thường có thể khám lại sau 5 năm. Người có tiền sử gia đình có bố mẹ mắc ung thư đại trực tràng thậm chí nên đi tầm soát sớm hơn. Những trường hợp trước đó đi nội soi phát hiện polyp, đã cắt thì tùy theo phân loại cần tầm soát định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ, có thể sau 2-3 năm.

Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:

- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ.

- Bổ sung các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.

- Hạn chế các loại nước uống chứa cồn, rượu bia, thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

- Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Theo SKĐS