Nâng cao chất lượng sức khỏe mẹ và bé sau sinh với phương pháp tiếp xúc “da kề da”

  • 2020/06/04 08:14

Ngay sau khi lọt lòng, trẻ sơ sinh được “tiếp xúc da kề da” với ngực và bụng mẹ trong ít nhất 90 phút đồng hồ. Đó là quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC) đang triển khai tại Bệnh viện Bãi Cháy và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong ở trẻ sơ sinh, đồng thời nâng cao chất lượng sức khỏe của phụ nữ và trẻ nhỏ sau sinh.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Sản – Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành gây tê tủy sống và phẫu thuật lấy thai cho sản phụ Lê T L (sinh năm 1990, Quảng Ninh). Trước đó, sản phụ nhập viện trong tình trạng chuyển dạ đẻ lần đầu, thai nhi 39 tuần, ngôi đầu, thai to. 


Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC)

Ca phẫu thuật do kíp bác sĩ CKI Nguyễn Văn Mạnh – Khoa Sản Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện. Dựa trên quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai được Bộ Y tế ban hành trong Quyết định số 6734/QĐ – BYT ngày 15/11/2016, ngay khi bé nhi trai chào đời tại Bệnh viện Bãi Cháy đã được kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi lấy thai ra) và cắt dây rốn một thì, được tiếp xúc “da kề da” – “cái ôm đầu tiên” với mẹ trong khoảng 90 phút sau sinh. Bé được bú sớm trong giờ đầu và bú mẹ hoàn toàn. Cơn “vượt cạn” của chị L đỡ đau đớn và mang đến phút giây thiêng liêng của tình mẫu tử khi được ôm ấp đứa con vừa chào đời. Bé trai dụi đầu vào ngực tìm vú mẹ, khiến chị L cảm thấy hạnh phúc vô bờ.

Theo bác sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Văn Mạnh – Khoa Sản Bệnh viện Bãi Cháy, tiếp xúc da kề da - “cái ôm đầu tiên” giúp gắn kết tình cảm mẹ con, kích thích ham muốn tìm vú mẹ sớm và bú sữa mẹ của trẻ ngay sau sinh. Nhờ đó, bé có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Da kề da còn giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, kích thích hệ tiêu hóa của trẻ, giữ ấm trẻ và duy trì nhiệt độ cơ thể, để da trẻ tiếp xúc được với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, do đó cải thiện sức đề kháng, chống nhiễm trùng cho trẻ, kích thích sản xuất các hoocmon thúc đẩy tuyến sữa mẹ hoạt động.


Tiếp xúc “da kề da” – “cái ôm đầu tiên” của bé với mẹ

Đặc biệt, với những trẻ non tháng, có những cơn ngưng thở thì nhịp thở của mẹ sẽ kích thích phản xạ thở đều đặn ở trẻ. Đối với người mẹ, trẻ bú trong quá trình “da kề da” cũng giúp tử cung co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh, giúp mẹ tiếp thêm nghị lực, giảm nỗi đau “vượt cạn”.

Chậm cắt dây rốn cho trẻ ngay sau sinh giúp cho bé được nhận đầy đủ các tế bào gốc “tự nhiên” từ mẹ truyền sang con, giúp bé nhận đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể qua dây rốn… Nhờ đó giúp cho trẻ đủ tháng không bị thiếu máu do thiếu sắt trong những tháng đầu, và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.

Với những lợi ích, hiệu quả cho mẹ và bé, thời gian tới, Bệnh viện Bãi Cháy đã và đang thực hiện quy trình chăm sóc thiết yếu và mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC) với phương pháp “da kề da” và chậm cắt dây rốn muộn với tất cả các ca sinh thường và mổ đẻ. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, giảm nguy cơ tử vong sau sinh, tạo niềm tin cho nhân dân vào chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh Quảng Ninh.

Mạc Thảo