Điều dưỡng Bệnh viện Bãi Cháy: Tận tâm vì sức khỏe, sự sống, niềm tin của người bệnh

  • 2023/05/12 02:30

Trên hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của lực lượng điều dưỡng viên. Những người luôn tận tụy với công việc, đặt cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề, tận tâm chăm lo sức khỏe, tinh thần vì sự sống, niềm tin, hi vọng của người bệnh.

Là một trong những bệnh viện đa khoa hạng I tại tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận thăm khám  từ 1000-1500 lượt bệnh nhân mỗi ngày, hiện nay, Bệnh viện Bãi Cháy có trên 500 điều dưỡng viên, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên đang đảm nhiệm công tác tại 41 khoa, phòng chức năng. Dù ở vị trí công tác nào, họ đều nỗ lực phát huy năng lực, sở trường chuyên môn, vượt qua khó khăn, áp lực công việc để chăm sóc, đồng hành cùng người bệnh, góp sức cùng đội ngũ bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Hồi sức tích cực ung bướu với hành trình chăm sóc giảm nhẹ

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối bị những cơn đau dày vò đến tận cuối đời. Khối u lớn chèn ép vào các bộ phận, các tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn khắp hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết, các bộ phận trọng yếu của cơ thể như tim, gan, não, phổi… Cơn đau do ung thư khiến họ không thể ăn, ngủ, sinh sống như người bình thường. Nhiều bệnh nhân tâm sự rằng, họ không sợ cái chết bằng sự dằn vặt của những cơn đau, chứng kiến nỗi buồn và bất lực của người nhà. Chính lúc này, sự hỗ trợ về mặt y tế, chăm sóc giảm nhẹ cả về thể chất, tinh thần của các bác sĩ, điều dưỡng viên tại Khoa hồi sức tích cực ung bướu thực sự cần thiết để bệnh nhân bớt đau đớn, ổn định trạng thái tâm lý, bớt bi quan, lo sợ để đối diện với bệnh tật. 


4 năm gắn bó với công việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, điều dưỡng Nguyễn Văn Diễn cùng các đồng nghiệp luôn miệt mài với công việc hằng ngày là chăm sóc về y tế, theo dõi, nhận biết những bất ổn từ dấu hiệu sinh tồn của người bệnh để kịp thời xử trí cấp cứu, thay người nhà chăm sóc toàn diện cho từng bệnh nhân từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm gội, đánh răng, rửa mặt,… , đảm bảo tránh nhiễm khuẩn, lây chéo và môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho bệnh nhân. Công việc tuy vất vả, áp lực nhưng đối với mỗi điều dưỡng viên ở đây, được làm việc ý nghĩa, nỗ lực chăm sóc giúp người bệnh vơi bớt nỗi đau, chứng kiến bệnh nhân phục hồi sức khỏe kỳ diệu sau cơn nguy kịch, sự sống dù ngắn hạn nhưng cũng là điều đáng trân quý. 

 “Người điều dưỡng cần đồng cảm với người bệnh, thấu hiểu được sự đau đớn mà họ phải chịu đựng. Động viên họ, truyền cảm hứng tích cực giúp họ lạc quan hơn vượt qua nỗi đau về bệnh tật. Anh em chúng tôi ở khoa luôn tôn trọng, gần gũi, sẻ chia với người bệnh như người thân trong gia đình để họ luôn được yêu thương, yên tâm vượt qua khó khăn và bệnh tật.” Đó là chia sẻ của điều dưỡng Nguyễn Văn Diễn – Khoa Hồi sức tích cực Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.

Nữ hộ sinh đồng hành cùng sản phụ vượt cạn, đón thiên thần nhỏ chào đời

Đến với ngành y như một cơ duyên khi tình cờ lựa chọn nghề hộ sinh, Nữ hộ sinh Phạm Thị Phương Anh – Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy đã gắn bó với công việc đồng hành cùng các sản phụ từ quá trình mang thai đến đến vượt cạn suốt 14 năm. Trang bị cho các sản phụ các kiến thức ban đầu của người mẹ, động viên, cổ vũ, thực hiện chuyên môn y tế giúp các sản phụ “vượt cạn” an toàn, đón các thiên nhỏ chào đời khỏe mạnh là công việc thường ngày của chị và các nữ hộ sinh tại Bệnh viện Bãi Cháy. 

Quá trình vượt cạn của thai phụ vốn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể đe dọa tính mạng của mẹ và bé. Nhưng bằng chuyên môn vững vàng, sự đồng cảm thấu hiểu với thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, mong muốn những em bé ra đời khỏe mạnh, dù cường độ làm việc căng thẳng, bất kể ngày hay đêm, ngày nghỉ lễ, tết , các nữ hộ sinh vẫn nỗ lực, tận tụy với công việc vì những “mầm sống” khát khao chào đời. 


“Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những cơn đau quặn thắt của thai phụ nên thấu hiểu và đồng cảm với sự hy sinh của họ…Cũng đã từng rơi nước mắt và cũng đã cùng nở nụ cười hân hoan cùng gia đình khi đón các em bé chào đời. Mỗi khoảnh khắc ấy làm cho tình yêu nghề lớn dần theo thời gian…

Những chuyện như ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn chiều…trở nên hết sức bình thường với chúng tôi. Có người từng bảo “Dừng lại ăn một chút đi rồi làm tiếp…” nhưng đối với tôi cũng như bao đồng nghiệp khác, sức khỏe, sự hồi phục và niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi mẹ tròn con vuông là món quà quý giá nhất giúp chúng tôi xua tan đi mệt nhọc, khó khăn… Niềm vui của họ đủ để chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong những đêm thức trắng để rồi lại lặng lẽ, âm thầm hoàn thành công việc của mình”. - Nữ hộ sinh Phạm Thị Phương Anh – Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.

Kỹ thuật viên xét nghiệm thầm lặng đóng góp vào sự thành công của mỗi ca bệnh

Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và điều trị hiệu quả, ngoài việc thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phải kết hợp các xét nghiệm và những kỹ thuật y học cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Vì vậy, đằng sau thành công của mỗi ca bệnh là sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ kỹ thuật viên khối cận lâm sàng. 

Với đặc thù công tác tại Khoa Vi sinh, kỹ thuật viên Đinh Thị Hồng Nhung thường xuyên thực hiện các xét nghiệm từ các mẫu bệnh phẩm có nguy cơ lây nhiễm cao như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm gây bệnh… Các thao tác kỹ thuật đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để có thể đưa ra kết quả xét nghiệm chuẩn xác và nhanh nhất hỗ trợ các bác sĩ trong việc xác định căn nguyên gây bệnh, định hướng phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Khoa Vi sinh cũng là nơi tuyến đầu chống dịch với nhiệm vụ “truy vết thần tốc” sàng lọc Covid-19 tại cộng đồng và bệnh viện. Lực lượng bác sĩ, kỹ thuật viên “mỏng” phải đảm nhận xét nghiệm hàng nghìn mẫu xét nghiệm mỗi ngày, nguy cơ lây nhiễm “virus đại dịch chết người” luôn thường trực, áp lực về thời gian. Nhưng họ đã bền bỉ, miệt mài làm việc không kể ngày đêm để thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19, đưa ra kết luận sớm nhất với các mẫu xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cấp bách. 


“Kỷ niệm ấn tượng nhất trong quá trình làm việc đó là khoảng thời gian cả khoa chiến đấu với đại dịch Covid-19. Vào những đợt dịch căng thẳng nhất em cùng các đồng nghiệp trong khoa làm việc ngày đêm để tham gia vào công tác xét nghiệm pcr hàng nghìn mẫu trong cộng đồng. Có những đêm chỉ ngủ có một vài tiếng xong sáng lại tiếp tục làm việc bình thường. Thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách em cùng các đồng nghiệp ở khoa đã hoàn thành tốt các công việc ở thời điểm đó. Bản thân cũng tự hào đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công tác phòng chống đại dịch covid 19. Tự hào là những chiến sỹ phòng lab được khoác lên mình tấm áo blouse trắng vượt qua mọi khó khăn chung tay đẩy lùi đại dịch”. - kỹ thuật viên Đinh Thị Hồng Nhung, Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.

Xác định sứ mệnh cao cả là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ý thức nghề y là nghề cao quý đòi hỏi trách nhiệm, tình yêu thương và cảm thông chân thành với những nỗi đau bệnh, các thế hệ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh của Bệnh viện Bãi Cháy luôn đề cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực rèn luyện y đức, nâng cao kiến thức, kĩ năng để mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh, xây dựng thương hiệu Bệnh viện Bãi Cháy vững mạnh. 

Mạc Thảo