Sinh hoạt khoa học chuyên đề “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý Nhi khoa” tại Quảng Ninh
Ngày 26/7/2024, Bệnh viện Bãi Cháy tổ chức chương trình sinh hoạt khoa học chuyên đề “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý Nhi khoa” với sự tham dự tham dự của các cán bộ y tế thuộc các chuyên ngành Nhi Khoa, Hô hấp, Tiêu hóa, Truyền nhiễm, Sản khoa đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chương trình được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu trung tâm y tế huyện như Bình Liêu, Đầm Hà, Đông Triều.
Toàn cảnh chương trình sinh hoạt khoa học tại Bệnh viện Bãi Cháy
Chương trình có sự tham dự của TTƯT. BSCKI Đỗ Văn Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện; PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy (Trưởng Bộ môn Nội – Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội); báo cáo viên là các bác sĩ đến từ Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cùng sự tham gia của các bác sĩ đến từ Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm y tế huyện Tiên Yên, Hải Hà…
TTƯT. BSCKI Đỗ Văn Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy tham dự và chủ trì buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hậu Covid-19 là tình trạng xuất hiện triệu chứng mới hoặc diễn biến bệnh tiếp tục kéo dài dù đã âm tính với SARS-CoV-2. Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, cùng với những thay đổi về mô hình bệnh tật sau COVID-19 có thể gây ra những vấn đề cho trẻ về tim mạch, thần kinh...Đặc biệt, phổi là cơ quan chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi nhiễm Covid-19 sẽ gây ra những triệu chứng hô hấp kéo dài như khó thở, đau ngực, ho… hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).
Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang,... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Mặc dù các biện pháp này đem lại những tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động ngoài trời và các hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên. Dù mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng thì đáp ứng miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Nhiễm COVID còn gây giảm số lượng hoặc chức năng tế bào trình diện kháng nguyên. Thậm chí còn gây tăng các cytokine kháng viêm (như IL-10 và TGF-β), làm tăng các phản ứng viêm quá mức, đặc biệt tại đường hô hấp, cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Suy giảm miễn dịch do COVID-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau nhiễm covid trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5-15.5%. Như vậy, dù không gây ra triệu chứng, nhưng khi nhiễm COVID-19, virus này vẫn có nguy cơ âm thầm gây suy giảm miễn dịch của trẻ trên toàn hệ thống.
Thông qua bài báo cáo “Cải thiện tình trạng miễn dịch trẻ em thời kỳ hậu COVID dự phòng nhiễm trùng hô hấp tái phát”, PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý đã củng cố lại những kiến thức về vai trò, phân loại hệ thống miễn dịch, đáp ứng miễn dịch sau nhiễm COVID-19 ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng của giãn cách xã hội trên miễn dịch tự nhiên của trẻ, nguyên lý thuốc tăng cường điều hòa miễn dịch chống lại một số loại tác nhân gây bệnh, điều hòa phản ứng viêm… Từ đó giúp các bác sĩ nắm rõ hơn về cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch và những tác động của COVID-19 lên hệ miễn dịch ở trẻ, đưa ra chẩn đoán, điều trị và các biện pháp nâng cao miễn dịch, dự phòng nhiễm trùng hô hấp tái phát ở trẻ em.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh báo cáo các chuyên đề về bệnh lý nhi khoa
Chương trình cũng thảo luận sâu rộng các chuyên đề liên quan đến bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ do các bác sĩ đến từ các bệnh viện tại Quảng Ninh trình bày. Với chuyên đề báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng thận hư”, Ths.BS Bùi Đình Phóng – Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy đã đưa ra những khuyến cáo về chẩn đoán, điều trị với coticoid dựa trên các trường hợp, ca lâm sàng cụ thể.
Chuyên đề báo cáo “ Viêm tụy cấp” của BSCKI Bùi Văn Thìn – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trình bày những nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh, lưu ý trong chẩn đoán, điều trị, dinh dưỡng qua đường tiêu hóa đối với bệnh lý viêm tụy cấp ở trẻ. Bác sĩ CKI. Đặng Hồng Duyên – Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh báo cáo chuyên đề “Hiệu quả của phương pháp Lisa trong điều trị sơ sinh non tháng” đã cập nhật lợi ích của phương pháp lisa – phương pháp bơm Surfactant với ưu điểm trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng, các yêu cầu đối với kỹ thuật và thực tế hiệu quả triển khai tại bệnh viện.
Trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt khoa học chuyên đề tại Bệnh viện Bãi Cháy, cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực thảo luận để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhi khoa. Qua đó giúp cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của các đơn vị y tế tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhi.
Mạc Thảo