Bệnh viện Bãi Cháy tổ chức sinh hoạt khoa học trực tuyến cùng các Trung tâm y tế huyện

  • 2022/07/16 03:00

Vừa qua (ngày 14/7/2022), Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức sinh hoạt khoa học với các chuyên đề “chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu”, “sàng lọc bệnh Thalassemia” với sự tham gia trực tuyến của Trung tâm y tế các huyện Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu.

Ở Việt Nam sỏi thận chiếm tỉ lệ mắc bệnh cao nhất 40%, sỏi niệu quản chiếm 28,3%, sỏi bàng quang 28,3%, sỏi niệu đạo 5,4%. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các phương pháp can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn đã và đang thể hiện được tính ưu việt giúp làm sạch sỏi nhẹ nhàng, nhanh chóng, an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh. 


Toàn cảnh sinh hoạt trực tuyến theo chuyên đề tại Bệnh viện Bãi Cháy

Với chuyên đề “chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu”, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị nội khoa, ngoại khoa, các phương pháp can thiệp ít xâm lấn, phẫu thuật ngoại khoa điều trị đối với các bệnh lý sỏi thận, sỏi niệu quản như tán sỏi qua bàng quang – niệu đạo, tán sỏi qua da, … với các trung tâm y tế địa phương. Tại Bệnh viện Bãi Cháy nhiều năm qua đã áp dụng hiệu quả các phương pháp tán sỏi công nghệ cao, ít xâm lấn như tán sỏi thận, sỏi đường tiết niệu  nội soi ống mềm bằng laser qua đường tự nhiên với ưu điểm không tổn hại thận, không gây chảy máu, ít đau, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, hẹp niệu đạo…cho người bệnh.



BSCKI Dương Xuân Hiệp - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ kiến thức về phương pháp điều trị ít xâm lấn với các bệnh lý sỏi thận, sỏi tiết niệu

Với chuyên đề “Sàng lọc bệnh Thalassemia”, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã cập nhật các kiến thức cơ bản về bệnh Thalassemia, cơ chế di truyền, dịch tễ, sàng lọc bệnh.

Thalassemia còn được gọi là tan máu bẩm sinh (TMBS) một trong những bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ. Đây là bệnh lý của tế bào hồng cầu, gây ra hai hậu quả chính là thiếu máu mạn tính và ứ đọng sắt trong cơ thể, làm cho người bệnh có nguy cơ truyền máu suốt đời. Người bị bệnh hay người mang gen bệnh khi kết hôn, sinh con thì các con đều có nguy cơ bị bệnh hoặc mang gen.  Đa số các trường hợp mang gen tan máu bẩm sinh đều là những người hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ một biểu hiện lâm sàng nào. Do đó, bản thân người mang gen bệnh chủ quan, dễ bị bỏ qua khi kiểm tra sức khỏe và trở thành nguồn di truyền gen trong cộng đồng. 


Các bác sĩ Khoa Sản - Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ kiến thức về bệnh Thalassemia

Vì vậy, Sàng lọc bệnh thalassemia không chỉ có giá trị về mặt y tế mà còn có hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, xã hội và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ người dân chủ động phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh, đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc. Tại Bệnh viện Bãi Cháy đã triển khai xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thông qua lấy máu gót chân nhằm phát hiện các bệnh lý bẩm sinh, trong đó có bệnh thalassemia. Từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, chống lại sự phát triển của bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình, đảm bảo trẻ phát triển bình thường.

Các chuyên đề sinh hoạt được Bệnh viện Bãi Cháy xây dựng kế hoạch, tổ chức hàng tháng theo các chuyên đề y khoa trọng điểm nhằm cập nhật kiến thức, phương pháp điều trị mới, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn khám chữa bệnh hằng ngày. Từ đó nâng cao năng lực sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán tình trạng cho người bệnh, mang đến các phương pháp điều trị hiệu quả hỗ trợ người bệnh nâng cao thể trạng, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, rút ngắn thời gian nằm viện, nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện.

Mạc Thảo