Tầm soát ung thư cổ tử cung nhanh chóng, hiệu quả tại Bệnh viện Bãi Cháy

  • 2023/03/22 02:22

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 4 đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời đúng cách, căn bệnh này có thể gây vô sinh hàng đầu, thậm chí đe dọa tính mạng của nữ giới. Tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng như “chìa khóa vàng” bảo vệ phụ nữ trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Nằm trong top 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, ung thư cổ tử đang là “vấn đề nhức nhối” bởi bệnh có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới, khoảng 250.000 người tử vong, ước tính đến năm 2030 con số tử vong sẽ tăng lên hơn 400.000 người, gấp đôi các trường hợp tử vong có liên quan đến biến chứng thai kỳ. 


Tại sao cần phải tầm soát ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung là dạng ung thư khởi phát tại cổ tử cung - khe hẹp nối âm đạo và tử cung. Cổ trong cổ tử cung bình thường sẽ có màu hồng khỏe mạnh với lớp tế bào vảy mỏng và phẳng. Ống cổ tử cung được tạo thành bởi một dạng tế bào khác gọi là tế bào trụ. Khu vực giao nhau của hai dạng tế bào này được gọi là khu chuyển đổi, chính là nơi các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư dễ phát triển nhất. 

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung (80 - 90%) là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư tế bào tuyến là dạng ung thư phổ biến thứ hai của ung thư cổ tử cung, được ghi nhận khoảng 10 - 20% số ca. Dạng ung thư này phát triển từ các tuyến tiết chất nhờn trong ống cổ tử cung. Mặc dù ít phổ biến hơn ung thư biểu mô tế bào vảy, tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tuyến đang gia tăng, đặc biệt là ở các bạn nữ tuổi đời còn trẻ.

Đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV. HPV lây truyền từ người này sang người khi hoạt động tình dục. Đây là một loại virus xâm nhập vào tế bào và có thể khiến các tế bào biến đổi. Một số loại HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng. Các chủng HPV có khả năng gây ung thư được gọi là “chủng có nguy cơ cao.”

Thường sẽ mất từ 3-7 năm để các thay đổi nguy cơ cao trong các tế bào cổ tử cung biến đổi thành ung thư. Đáng chú ý, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng và hầu hết người bệnh được chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Việc điều trị khá khó khăn và phức tạp. Các phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung – buồng trứng, xạ trị, hóa trị có thể gây biến chứng vô sinh, tước đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng của phụ nữ, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Vì vậy, sàng lọc ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp đơn giản và hữu hiệu giúp phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ, có biện pháp can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao, tiết kiệm chi phí. 

Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

Với sự phát triển của y học hiện đại, các phương xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung công nghệ cao ra đời và được ứng dụng rộng rãi đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong của căn bệnh này. Sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear, tùy theo chỉ định của bác sĩ), và đối với một số phụ nữ, xét nghiệm HPV. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung. Quá trình sàng lọc rất đơn giản và nhanh chóng. Các bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải chuyên dụng hoặc các thiết bị khác để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu tế bào cổ tử cung này sẽ được bảo quản trong một ống chứa dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

Đối với xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear), mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào bất thường nào không.

Đối với xét nghiệm HPV, mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của 13-14 chủng HPV nguy cơ cao.

Nếu đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, xét nghiệm bổ sung cần phải được chỉ định để tìm hiểu xem những biến đổi nguy cơ cao hoặc ung thư thực sự có mặt hay không. Đôi khi, chỉ cần lặp lại xét nghiệm là đủ. Trong các trường hợp khác, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung có thể được khuyến nghị để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của các biến đổi này.

Lưu ý độ tuổi và thời điểm tầm soát ung thư cổ tử cung

Thời điểm thực hiện và loại xét nghiệm phụ thuộc vào tuổi và bệnh sử của bạn.

Các bạn nữ từ 21 - 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) 3 năm/lần. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo.

Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời 5 năm/lần (ưu tiên). Hoặc người bệnh có thể làm mỗi xét nghiệm Pap 3 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm không có bất thường.

Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa HPV vẫn cần tuân theo các khuyến nghị sàng lọc ung thư cổ tử cung theo nhóm tuổi.

Phụ nữ nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu không có tiền sử tế bào cổ tử cung bất thường mức độ trung bình hoặc cao hay kết quả ác tính, đã có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm đồng âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần nhất được thực hiện trong vòng 5 năm qua.

Nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt tử cung thì vẫn có thể cần sàng lọc. Quyết định này dựa trên việc liệu cổ tử cung đã được cắt bỏ hay chưa, nguyên nhân cần phải cắt bỏ tử cung và liệu có tiền sử thay đổi tế bào cổ tử cung mức độ vừa hay nặng hay ung thư cổ tử cung.

Ngay cả khi cổ tử cung đã bị cắt bỏ tại thời điểm cắt bỏ tử cung, các tế bào cổ tử cung vẫn có thể có mặt ở phía trên của âm đạo. Nếu có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc thay đổi tế bào cổ tử cung, vẫn nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật.


Thăm khám, xét nghiệm sàng lọc, tư vấn điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Bãi Cháy

Tiên phong ứng dụng những kỹ thuật tiến tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bệnh viện Bãi Cháy với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ sản khoa trình độ cao, giàu kinh nghiệm đã triển khai thực hiện các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả hàng đầu như Pap (ThinPrep Pap), HPV, soi cổ tử cung và sinh thiết…, kết quả nhanh chóng, chính xác, đưa ra tư vấn sức khỏe và hướng điều trị kịp thời, tối ưu cho người bệnh. 

Chi phí mà phụ nữ và gia đình phải bỏ ra để điều trị ung thư cổ tử cung lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là rất lớn. Do vậy, sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung thông qua các xét nghiệm tầm soát đồng thời kiểm tra sức khỏe  định kỳ kết hợp sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Liên hệ số điện thoại 1900.96.96.94 để đặt lịch khám và nhận được sự tư vấn dịch vụ y tế từ Bệnh viện Bãi Cháy.

Mạc Thảo