Sốt mò - căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm
Sốt mò là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn… đe dọa tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần biết những thông tin cơ bản về căn bệnh nguy hiểm này để phòng tránh và áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ CKI Phạm Công Đức, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “ Bệnh sốt mò là bệnh do ấu trùng mò đốt con người. Bản thân mò không gây bệnh nhưng con mò mang vi khuẩn thuộc họ Rickettsia , nên gọi là bệnh Rickettsia. Ấu trùng mò thường ở trong bờ cây, bụi rậm. Tên gọi khác của bệnh là sốt triền sông Nhật Bản hay sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng”.
Nốt mò đốt vỡ ra sau 4 - 5 ngay tạo thành một nốt có vảy nâu nhạt hoặc sẫm màu
Bệnh nhân thường tập trung chủ yếu ở các nước Châu Á. Đối với Việt Nam, căn bệnh này thường xảy ra vào thời điểm thời tiết bước vào mùa mưa và nóng. Sốt mò thường diễn ra phổ biến ở miền Bắc vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 và xuất hiện quanh năm ở miền Nam, tuy nhiên đỉnh điểm vẫn là vào mùa mưa.
Sốt mò sẽ tạo nên những ổ dịch nhỏ, phân bố rải rác ở những nơi có nhiều bụi rậm và ẩm ướt như bìa rừng, các cánh rừng mới được khai hoang hoặc mới được trồng mới, vùng nương rẫy,... Bệnh có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhưng sẽ tập trung chủ yếu ở đối tượng lao động hoạt động ở các lĩnh vực như bộ đội lâm nghiệp, hành quân hoặc đóng quân ở vùng biên giới, lâm nghiệp và nông nghiệp, khách tham quan du lịch hoặc dân sống ở nơi ẩm thấp. Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt chủ yếu là loài chuột, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm.
Bác sĩ CKI Phạm Công Đức, trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Biểu hiện chung của bệnh này là tình trạng sốt cao liên tục, da xung huyết đỏ, tìm trên cơ thể ở vùng da mỏng, ẩm có thể thấy vết loét do mò đốt rất điển hình, thường nằm ở ở nách, bẹn, xung quanh cơ quan sinh dục…Lúc đầu như mụn nước, sau to ra, se lại đóng vẩy đen, vẩy đen bong để lại vết loét rất điển hình ở xung quanh hơi gồ, giữa lõm , có phủ lớp giả mặc trắng.”
Bác sĩ CKI Phạm Công Đức, trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy
Những bệnh nhân đã từng mắc bệnh sốt mò sẽ sản sinh ra miễn dịch tế bào và dịch thể với chủng khuẩn gây bệnh một cách lâu dài, tuy nhiên kháng thể để chỉ giúp cơ thể miễn dịch với các chủng khác trong tạm thời. Bởi vậy, nếu bệnh nhân tái nhiễm sốt mò sau vài tháng khỏi bệnh gây ra do một chủng vi khuẩn khác thì tình trạng bệnh có thể ở thể nhẹ. Những người thuộc vùng dịch thì có thể mắc từ 2 đến 3 lần nhưng ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trong khi người ở nơi khác đến thường mắc sốt mò ở thể nặng và có triệu chứng phức tạp hơn.
Đối với người bệnh sốt mò, nếu như không được sự can thiệp kịp thời của chăm sóc y tế chuyên nghiệp thì bệnh có thể phát triển thành các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ CKI Phạm Công Đức - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh này tương đối nguy hiểm nếu không phát hiện sớm, có thể gây rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, tăng men gan, suy gan, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, thậm chí tử vong do bệnh. Điều trị chẩn đoán xác định bệnh mò đốt, Tùy theo từng giai đoạn lâm sàng bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đường uống theo phác đồ 7-10 ngày có thể ổn định. Bên cạnh đó, tùy theo triệu chứng lâm sàng có thể điều trị hỗ trợ hạ sốt, hỗ trợ gan. Nếu có tình trạng viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn nặng, bệnh nhân có thể được can thiệp thở máy, lọc máu.”
Sốt mò là một căn bệnh khó có thể nhận biết được, khởi phát từ những vết cắn của ấu trùng mò, tuy nhiên, nó không lây truyền từ người sang người. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sốt mò là phát quang môi trường sống, thường xuyên vệ sinh và diệt côn trùng cho nơi ở của mình, không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Khi vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Không nằm dưới đất mà nằm trên võng cao. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ. Dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống. Đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Quan trọng là nếu bạn đi về từ các vùng dịch tễ và xuất hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc.
Mạc Thảo