Dấu hiệu cảnh báo chức năng thận suy giảm
Thận yếu là khi chức năng của thận bị suy giảm do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Dấu hiệu thận yếu thường mờ nhạt và khó nhận biết, tiến triển âm thầm qua nhiều năm nên đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện sớm và nhận biết bệnh ngay từ giai đoạn đầu sẽ hỗ trợ tích cực trong hiệu quả điều trị bệnh.
Thận được xem là một trong 5 cơ quan quan trọng nhất đối với sức khoẻ con người, đảm nhận chức năng lọc, đào thải chất cặn bã, độc tố và nước dư thừa ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Bên cạnh đó, thận còn có nhiệm vụ điều tiết nồng độ chất điện giải, kiểm soát huyết áp, tham gia điều tiết sản sinh hồng cầu; giúp cơ thể tái hấp thu nước, các axit amin và sản xuất ra các hormon điều hoà cơ thể. Do đó nếu chức năng thận kém đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bên trong của cơ thể.
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hoá. Ngoài ra đối với nhiều trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hoà dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu và tổng hợp Vitamin D. Các tình trạng suy giảm chức năng thận bao gồm:
- Tổn thương thận cấp: Chỉ tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường có nguyên nhân rõ ràng. Tổn thương thận cấp thường có triệu chứng: Mệt mỏi, khó thở, nhầm lẫn, buồn nôn, đau ngực hoặc tức ngực, lượng nước tiểu đào thải khỏi cơ thể quá ít. Trường hợp nặng có thể động kinh hoặc hôn mê. Trong một số trường hợp, tổn thương thận cấp tính không có biểu hiện lâm sàng hay phát hiện triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế.
- Suy thận cấp: Chỉ tình trạng tổn thương thận cấp nhưng có chỉ định chạy thận nhân tạo để xử lý biến chứng, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Các triệu chứng ban đầu của suy thận cấp là lượng nước tiểu ít hoặc không có. Các triệu chứng khi bệnh trở nên nặng hơn bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như không ngủ được, động kinh, huyết áp tăng hoặc hạ, bầm, chảy máu không rõ nguyên nhân.
Ngơời bệnh suy thận mạn 0iều trị lọc máu tại Bệnh viện Bãi Cháy
- Bệnh thận mạn: Chỉ tình trạng có suy giảm chức năng thận kéo dài ít nhất 3 tháng liên tục, biểu hiện qua bất thường của nước tiểu, hình ảnh thận trên phương tiện chẩn đoán hay bất thường mô học khi sinh thiết. Đây là tình trạng không hồi phục, được phân làm 5 giai đoạn khác nhau tuỳ thuộc vào chức năng thận còn lại.
- Suy thận mạn giai đoạn cuối: Khi chức năng thận giảm nặng, bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận. Lọc máu chu kì và dùng các thuốc thay thế chức năng thận. Bệnh nhân có các triệu chứng như giảm lượng nước tiểu, mất khả năng đi tiểu, mệt mỏi, khó chịu, sụt cân không có lý do, thay đổi màu da, nôn mửa, đau trong xương…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng thận tuỳ thuộc vào tình trạng và thể bệnh của mỗi người. Với suy thận cấp có nguyên nhân chủ yếu do áp lực lọc trong các mao mạch cầu thận giảm bởi hạ huyết áp động mạch hoặc co mạnh các tiểu động mạch cầu thận, làm giảm lưu lượng máu thận. Còn suy thận mạn, thường do bệnh nhân mắc các bệnh cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận bẩm sinh hay do sỏi tiết niệu,…
Các dấu hiệu suy giảm chức năng thận nếu ở giai đoạn đầu thường không rõ rệt và đặc thù, do đó nhiều người bị nhầm lẫn và chủ quan với bệnh. Khi nhận thấy các triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra để xác định chính xác nguyên nhân, bên cạnh đó cũng nên định kỳ thực hiện xét nghiệm tầm soát các bệnh lý về thận để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tại cơ quan này, tránh bệnh diễn tiến trầm trọng, gây hậu quả đáng tiếc.
Tuỳ thuộc vào loại suy giảm chức năng thận mà cách điều trị và hiệu quả điều trị khác nhau. Với nhóm bệnh suy thận cấp nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ có cơ hội được điều trị khỏi hoàn toàn. Khi suy thận ở giai đoạn cuối, cần dùng phương pháp chạy thận nhân tạo, ghép thận... Suy thận mạn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại. Tuy nhiên, tổn thương thận có thể tiếp tục diễn biến xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây ra suy thận đã được kiểm soát tốt. Do đó các bệnh mạn tính cần phát hiện sớm, điều trị sớm trước khi có biến chứng suy thận.
Khi được kê đơn dùng thuốc, bệnh nhân cần uống đúng hướng dẫn và uống đủ liệu trình.
Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc. Khi uống thuốc nếu gặp tác dụng phụ hoặc các dấu hiệu bất thường, cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến bệnh viên để được kiểm tra và đổi thuốc nếu cần.
Tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi diễn biến của bệnh, có thể trong quá trình điều trị cần điều chỉnh thuốc hoặc liệu pháp điều trị theo từng giai đoạn của bệnh.
Đối với những bệnh nhân đã và đang điều trị suy thận cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập hằng ngày để duy trì sức khoẻ và hạn chế sự phát triển, tái phát của bệnh. Theo đó, người bệnh nên tập thói quen ăn nhạt, nhất là trong giai đoạn có phù để hạn chế những biến chứng như suy tim hoặc phù tăng lên. Chú ý giảm đạm và giảm các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, nho, cam, su hào, củ cải trong các bữa ăn và thường xuyên theo dõi nước tiểu cũng như lượng nước uống nạp vào cơ thể hằng ngày. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân suy thận mà chưa cần phải lọc máu, các bác sĩ cũng khuyến cáo nên cung cấp đủ nước mỗi ngày theo lượng nước tiểu thải ra ngày hôm trước của bệnh nhân; Duy trì chế độ luyện tập hợp lý để người bệnh có tinh thần thoải mái và hạn chế sự tiến triển của bệnh; Khám sức khoẻ định kỳ theo lịch của bác sĩ để kiểm soát những bệnh lý nền dẫn đến suy thận cũng như theo dõi quá trình tiến triển của bệnh để có biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời theo từng giai đoạn của bệnh.
Mạc Thảo