Các tiến bộ điều trị ung thư phổi và giải pháp bảo vệ lá phổi trước nguy cơ ung thư

  • 2024/08/21 02:39

Ung thư phổi là một trong những bệnh phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao ở cả nam và nữ giới. Khoảng 70% số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi trên 65 tuổi và dưới 3% số người mắc bệnh ung thư phổi dưới 45 tuổi. 

Tại Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi là 31/100.000 ở nam giới và 7/100.000 ở nữ giới. Phần lớn bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn nên không còn khả năng điều trị triệt để. Chỉ khoảng gần 20% số ca bệnh được phát hiện khi còn khả năng cắt bỏ khối u.


Bệnh nhân ung thư phổi được thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

TS Nguyễn Văn Hiệp, Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi được xác định do các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, khoảng 90% ung thư phổi phát sinh là kết quả của việc sử dụng thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy những người không hút thuốc đang sống chung với người hút thuốc lá tăng 24% nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi. Những công nhân tiếp xúc với bụi silic cũng có nguy cơ cao với bệnh ung thư phổi. Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan với bệnh ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, niken, crôm, khí than, radon. Radon là một khí phóng xạ không màu, không mùi vị, không nhìn thấy bằng mắt thường, có trong sỏi, đá, nó có thể làm tổn hại đến phổi từ đó có thể dẫn đến ung thư phổi, những người làm trong hầm mỏ có thể tiếp xúc trực tiếp với khí radon. Ngoài ra nguy cơ ung thư phổi còn liên quan đến yếu tố gia đình, một người mắc bệnh ung thư phổi lần một có nguy cơ mắc lại ung thư phổi lần 2 cao hơn so với người chưa bao giờ mắc bệnh ung thư phổi”.

Triệu  chứng hay gặp nhất của bệnh ung thư phổi là ho kéo dài, thở ngắn. Ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy, sút cân, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi. Có khoảng 13% bệnh nhân không có biểu hiện bất kì một triệu chứng nào khi khối u được phát hiện.

Theo TS Nguyễn Văn Hiệp, chẩn  đoán ung thư phổi cần dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng. Trên lâm sàng bệnh nhân thường được phát hiện do tình cờ và đã ở giai đoạn muộn. Giai đoạn muộn triệu chứng lâm sàng phong phú, ngoài các triệu chứng hô hấp điển hình còn có các triệu chứng chèn ép trung thất, đau ngực ở vị trí tương ứng khối u, khản tiếng do u chèn ép thần kinh quặt ngược. Phù áo khoác do chèn ép tĩnh mạch chủ trên.

Chẩn đoán cận lâm sàng gồm các phương pháp: Chụp XQuang thẳng, nghiêng; chụp CT scaner đánh giá tình trạng u và di căn hạch. Chọc dịch màng phổi: Lấy mẫu dịch bao quanh phổi để tìm tế bào ung thư.

Phương pháp chẩn đoán ung thư phổi rõ ràng nhất là nội soi và sinh thiết. Dùng nội soi ống mềm đi theo đường khí quản vào phế quản vào khối u và có thể sinh thiết tại khối u. Những mẫu sinh thiết được nhuộm và soi trên kính hiển vi quang học để chẩn đoán giải phẫu bệnh và mô bệnh học.

Biến chứng của ung thư phổi rất nặng nề. Biến chứng tại chỗ: khối u phát triển trong đường thông khí hô hấp có thể dẫn đến khó thở. Ung thư phổi có thể dẫn đến tê liệt dây thanh âm, gây khàn tiếng và những thay đổi trong giọng nói. Có thể dẫn đến nghẹt thở. Di căn hạch trung thất và chèn ép trung thất, tràn dịch màng phổi, ho ra máu. 

Tổn thương di căn xa: Di căn não thường xảy ra hội chứng phù não, nôn, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, có thể liệt. Di căn tuyến thượng thận. Di căn phổi đối bên, hạch trung thất, hạch thượng đòn. Di căn xương. Di căn gan làm tổn thương gan hoặc hôn mê gan.

Bệnh ung thư phổi có nhiều giai đoạn khác nhau. Với mỗi giai đoạn bệnh cần có phương pháp điều trị cụ thể.

- Phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u: Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là bởi khi đó khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và nạo vét hạch.

Ưu điểm lớn nhất của phẫu thuật nội soi hỗ trợ cắt thùy phổi so với phẫu thuật mổ mở kinh điển là vết mổ nhỏ, giảm đau đớn sau mổ, thời gian bình phục ngắn, ít suy giảm chức năng hô hấp, bệnh nhân sớm được xuất viện. Phương pháp phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi trong điều trị ung thư phổi được ứng dụng tại Bệnh viện Bãi Cháy giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, nối dài sự sống, tiếp thêm niềm tin, hi vọng trị khỏi bệnh cho người bệnh ung thư ngay tại địa phương.

Sau phẫu thuật, khả năng chữa lành bệnh của người bệnh ung thư phổi là rất cao. Trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 50%. 

- Phương pháp điều trị bằng tia xạ: xạ trị là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton,...) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III, không được chỉ định phẫu thuật có thể điều trị hóa xạ trị đồng thời hoặc tuần tự để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt.


Bệnh viện Bãi Cháy có hệ thống xạ trị điều biến liều đáp ứng điều trị ung thư

- Điều trị bằng hóa chất: chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã lây lan rộng. Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 để làm giảm kích thước khối u, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

- Phương pháp điều trị đích ung thư phổi: Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan tới các đột biến gen (được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Việc xét nghiệm tìm đột biến gen EGFR ở bệnh nhân ung thư thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tái phát, di căn tế bào nhỏ tại Bệnh viện Bãi Cháy đóng vai trò quan trọng để bác sĩ xây dựng phác đồ áp dụng phương pháp điều trị thuốc trúng đích TKIs cho nhóm bệnh nhân có phát hiện đột biến gen. Đây là một bước tiến mới quan trọng trong nâng cao chất lượng điều trị cho UTPKTBN giai đoạn tái phát di căn, giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm chậm tiến triển khối u và kéo dài thời gian sống thêm.


Việc xét nghiệm tìm đột biến gen EGFR ở bệnh nhân ung thư thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tái phát, di căn tế bào nhỏ tại Bệnh viện Bãi Cháy đóng vai trò quan trọng để bác sĩ xây dựng phác đồ áp dụng phương pháp điều trị thuốc trúng đích TKIs cho nhóm bệnh nhân có phát hiện đột biến gen

- Liệu pháp miễn dịch tự thân: Điều trị miễn dịch giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư. 

Mặc dù có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, nhưng đa số bệnh nhân đến bệnh viện chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Do đó kết quả điều trị còn hạn chế và thời gian sống còn thấp. Để phòng ngừa ung thư phổi người dân cần: 

Tránh xa khói thuốc lá; 

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh giàu chất xơ và hoa quả chứa nhiều vitamin, hạn chế đồ ăn được chế biến trong dầu mỡ và có nhiều chất béo; tăng cường thói quen tập thể dục. 

Bảo vệ lá phổi trước không khí bị ô nhiễm: Đối với nhà ở thì nên sử dụng các thiết bị làm sạch không khí và thông gió, thường xuyên quét dọn và lau chùi để không gian sống luôn thoáng mát và sạch sẽ, tránh các tác nhân gây hại cho đường hô hấp; người dân sống ở vùng nông thôn, khu vực ngoại thành nên hạn chế đốt rơm rạ để không khí trong lành hơn; đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường; 

Trồng nhiều cây xanh; khi dừng đèn đỏ nên tập thói quen tắt máy xe; chuyển sang dùng nguyên liệu sạch trong đun nấu như dùng bếp điện, bếp từ thay vì sử dụng bếp than, bếp củi; thận trọng khi đang ở trong môi trường nhiều chất độc hại. 

Người lao động trong các khu, xưởng công nghiệp cần phải ý thức được điều này, chủ động tuân theo công tác bảo hộ an toàn lao động. Sau mỗi ca làm cần vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ và cẩn thận. Ngoài ra, người dân nên thăm khám và tầm soát nguy cơ ung thư định kỳ để có thể phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời.

Mạc Thảo