Bệnh tim thiếu máu cục bộ và phương pháp điều trị

  • 2023/02/01 04:14

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng sức khỏe có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được nhận diện và điều trị kịp thời. Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu về căn bệnh này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa, nhận diện và điều trị bệnh.


Can thiệp đặt stent mạch vành tại Bệnh viện Bãi Cháy.

1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Tim thiếu máu cục bộ (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ hay động mạch vành) là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến tim sụt giảm khiến tim không nhận đủ oxy. Đây thường là kết quả của việc tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch tim (động mạch vành).

Bệnh làm giảm khả năng bơm máu của cơ tim, có thể dẫn đến những cơn đau tim hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ tồn tại ở 2 dạng: Bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính và bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.

- Bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính: là tình trạng một trong những động mạch của tim bị tắc nghẽn đột ngột. Tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.

- Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: là bệnh động mạch vành ổn định hay cơn đau thắt ngực ổn định. 

Đau thắt ngực ổn định là cơn đau xuất hiện ở ngực khi người bệnh gắng sức. Cơ đau thường diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ giảm dần khi người bệnh được nghỉ ngơi. Đây là tình trạng ổn định của các mảng xơ vữa động mạch vành. Trong quá trình hoạt động, một số mảng xơ vữa bị nứt gây hẹp hoặc tắc lòng mạch đột ngột dẫn đến hội chứng vành cấp (acute coronary syndrome). Hội chứng vành cấp được điều trị ổn định được xem là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay đau thắt ngực ổn định. 

2. Nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu di chuyển qua một hoặc nhiều động mạch vành giảm sút, gây cản trở quá trình tiếp nhận oxy của cơ tim.

Nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:

Bệnh xơ vữa động mạch: Xơ vữa là các mảng bám cholesterol tích tụ trên thành động mạch. Tình trạng xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu cơ tim.

Cục máu đông: Các mảng xơ vữa phát triển trong động mạch có thể bị vỡ, gây ra cục máu đông. Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn động mạch, dẫn đến thiếu máu cơ tim đột ngột, nghiêm trọng và gây đau tim. Hiếm khi cục máu đông có thể di chuyển đến động mạch vành từ nơi khác trong cơ thể.

Do co thắt động mạch vành: Sự thắt chặt tạm thời của các cơ trong thành động mạch có thể làm giảm hoặc ngăn cản lưu lượng máu đến một phần của cơ tim trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, co thắt động mạch vành là nguyên nhân hiếm gặp của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.

Những nguyên nhân khác: Đa phần những nguyên nhân này xuất phát từ các yếu tố như:

  • Gắng sức.
  • Căng thẳng cảm xúc.
  • Nhiệt độ lạnh.
  • Lạm dụng chất kích thích.
  • Ăn quá no.
  • Quan hệ tình dục mạnh bạo.

3. Triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ 

Một số người mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trường hợp này được gọi là tim thiếu máu cục bộ thầm lặng. Ở đa số những bệnh nhân khác, khi bệnh xảy ra, người bệnh thường gặp các triệu chứng phổ biến như tức hoặc đau thắt ngực trái. Ngoài ra, những triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ khác có thể bao gồm: 

  • Đau ở cổ hoặc hàm.
  • Đau vai hoặc cánh tay.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Khó thở khi hoạt động thể chất hoặc lao động gắng sức.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Toát mồ hôi.
  • Mệt mỏi.

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ

Để chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ thường thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử và có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bao gồm:

Điện tâm đồ (ECG)

Phương pháp này sử dụng các điện cực gắn vào da người bệnh để ghi nhận hoạt động của tim. Những thay đổi nhất định trong hoạt động điện của tim có thể là dấu hiệu của tổn thương tim.


Điện tim để chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Kiểm tra mức độ căng thẳng 

Nhịp tim, huyết áp và nhịp thở của người bệnh được theo dõi khi đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe cố định. Tập thể dục làm cho tim bơm máu mạnh hơn và nhanh hơn bình thường. Do đó, kiểm tra mức độ căng thẳng sẽ giúp phát hiện các vấn đề về tim mà có thể bình thường người bệnh không để ý.

Siêu âm tim

Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh hướng vào tim người bệnh từ một thiết bị chuyên dụng. Thiết bị này được giữ trước ngực bệnh nhân để tạo ra hình ảnh video mô tả hoạt động của tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem một vùng tim của người bệnh có bị tổn thương và hoạt động bất thường hay không.


Siêu âm tim tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Siêu âm tim gắng sức 

Siêu âm tim khi căng thẳng tương tự như siêu âm tim thông thường, ngoại trừ việc kiểm tra được thực hiện sau khi người bệnh tập thể dục tại phòng khám của bác sĩ trên máy chạy bộ hoặc xe đạp cố định.

Chụp CT tim

Xét nghiệm này có thể xác định cơ thể người bệnh có bị tích tụ canxi trong động mạch vành hay không. Tình trạng tích tụ canxi ở mạch vành là một dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch vành. Các động mạch tim cũng có thể được nhìn thấy bằng cách sử dụng chụp CT (chụp mạch vành CT).

5. Các biến chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

Đau tim: Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, tình trạng thiếu máu và oxy có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim phá hủy một phần cơ tim. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tim thiếu máu cục bộ vì có thể gây tử vong.

Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim): Nhịp tim bất thường có thể làm suy yếu tim của bạn và có thể đe dọa tính mạng.

Suy tim: Theo thời gian, các đợt thiếu máu cục bộ lặp đi lặp lại có thể dẫn đến suy tim.

6. Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Mục tiêu chủ yếu của việc điều trị là:

Giảm thiểu các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Tăng khả năng tưới máu đi nuôi dưỡng, giảm tình trạng thiếu máu cơ tim.

Ngăn ngừa hội chứng mạch vành cấp và nguy cơ tử vong do bệnh.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và kết quả chẩn đoán mà có nhiều cách điều trị khác nhau. Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu được áp dụng cho hầu hết các trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính hay cơn đau thắt ngực ổn định.

Điều trị nội khoa

Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng trong điều trị cơn đau thắt ngực ổn định gồm:

Thuốc chống kết tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel, Ticagrelor hay Prasugrel.

Thuốc điều trị rối loạn lipid máu như statin, ezetimibe

Thuốc ức chế men chuyển như enalapril, perindopril, lisinopril,…

Thuốc chẹn beta giao cảm như Metoprolol, Bisoprolol, Carvedilol, Nebivolol,..

Thuốc chẹn kênh canxi như dihydropyridines, non-dihydropyridines

Dẫn xuất nitrates như Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate…

Lưu ý: Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ điều trị.

Điều trị can thiệp

Trong trường hợp đã điều trị nội khoa tích cực nhưng bệnh nhân vẫn còn triệu chứng đau ngực, bác sĩ có thể chỉ định điều trị can thiệp để tăng khả năng tưới máu cơ tim.

Nong mạch vành và đặt stent: Bác sĩ đưa một đoạn ống thông qua động mạch ngoại biên để đi đến vị trí mạch vành bị tắc nghẽn, sau đó thổi phồng quả bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông để làm lưu thông máu bình thường. Đồng thời, đặt một ống lưới nhỏ (stent) ở vị trí tắc nghẽn để ngăn động mạch hẹp lại.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ ghép một mạch máu khác băng qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn để lưu thông máu qua đặt stent: Bác sĩ đưa một đoạn ống thông qua động mạch ngoại biên để đi đến vị trí mạch vành bị tắc nghẽn, sau phần động mạch vành bị tắc.

7. Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ 

Thay đổi và điều chỉnh lối sống là một trong những việc quan trọng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. 

Để có trái tim khỏe mạnh, bạn cần:

  • Ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, ưu tiên các loại thức ăn thực vật.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc lá.
  • Quản lý cân nặng ở mức hợp lý, tránh dư cân, béo phì.
  • Kiểm soát tốt các bệnh khác như tiểu đường, cholesterol cao hoặc bệnh huyết áp.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Minh Khương