Bệnh lõm ngực: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa

  • 2023/06/23 03:32

Lõm ngực là một bệnh lý biến dạng lồng ngực, gây ra những tác hại lên các bộ phận bên trong lồng ngực và các vấn đề về thẩm mỹ. Vậy dấu hiệu của bệnh lõm ngực như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này nhé!


1. Lõm ngực là gì?

Bệnh lõm ngực là bệnh lý gây biến dạng lồng ngực, đặc trưng bởi tình trạng xương ngực lõm vào bên trong. Đối với những trường hợp bị nặng, ngực gần như khuyết ở vùng trung tâm, hình thành vết lõm sâu và gây cản trở chức năng tim phổi.

Mặc dù lõm ngực rất dễ phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng rõ rệt và nghiêm trọng nhất thường xuất hiện ở giai đoạn tuổi dậy thì và thanh thiếu niên do đây là thời điểm xương và sụn phát triển nhanh.

Lõm ngực còn được gọi là ngực hình phễu, bệnh lý này phổ biến ở bé trai nhiều hơn bé gái. Lõm ngực ở mức độ nhẹ khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti, có thể gây ra các rối loạn về tâm lý. Tuy nhiên, bệnh lõm ngực hoàn toàn có thể điều trị tốt thông qua phẫu thuật sửa chữa các biến dạng.

2. Nguyên nhân gây bệnh lõm ngực

Phát triển bất thường của bào thai: Đa số trường hợp lõm ngực hình thành từ trong bào thai. Nguyên nhân là do phần xương sườn và xương ức của trẻ không phát triển vòng cung tròn hướng ra trước mà lại phát triển vòng ra phía sau gây chèn ép lồng ngực. Điều này tạo thành một vết lõm sâu hoặc một hố lõm tại lồng ngực.

Giới tính: Căn bệnh lõm ngực hầu hết chỉ xuất hiện ở nam giới, tỉ lệ các bé trai sinh ra bị lõm ngực cao gấp 3 lần so với bé gái. Đến nay vẫn chưa một cơ chế nào giải thích rõ lý do của yếu tố giới tính này tác động gây dị tật lõm ngực.

Do đột biến gen:Gen đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kiểu hình cũng như các đặc điểm về hình thể bên ngoài. Ở một số trường hợp, sự sai lệch trong cấu trúc di truyền hay cụ thể là tình trạng đột biến gen là nguyên nhân chính gây ra dị tật lõm ngực.

3. Dấu hiệu của bệnh lõm ngực

Đối với nhiều trường hợp lõm ngực, triệu chứng duy nhất có thể nhận biết là lồng ngực bị lõm nhẹ vào bên trong. Một số khác có biểu hiện lõm sâu hơn ở tuổi vị thành niên, sau đó trở nên nghiêm trọng khi trưởng thành.

Các trường hợp lõm ngực nặng làm xương ức chèn ép lên phổi và tim, bao gồm các triệu chứng sau:

Giảm khả năng hoạt động mạnh như thể dục thể thao.

- Nhịp tim nhanh.

Nhiễm trùng hô hấp tái phát.

Ho, khò khè.

Đau ngực.

Âm thổi bất thường ở tim.

Mệt mỏi.

Chóng mặt.

4. Biến chứng của bệnh lõm ngực

- Lõm ngực nhẹ sẽ gây ra các vấn đề thẩm mỹ

- Gây ra các vấn đề về tim, phổi: Lõm ngực nặng khiến cho khả năng giãn rộng của lá phổi bị ảnh hưởng trong quá trình hít vào và thở ra, từ đó tác động đến chức năng trao đổi khí. Đồng thời, tình trạng này có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, đây là nguyên nhân dẫn đến khó thở, đau ngực ở bệnh nhân.

- Về hình ảnh bản thân: Trẻ bị lõm ngực có khuynh hướng gập người về phía trước, xương sườn và vai bị loe ra ngoài. Rất nhiều người mắc bệnh lõm ngực tự ti về hình thể, vì vậy họ thường tránh các hoạt động có thể khiến khiếm khuyết của họ lộ ra như bơi lội hay tránh phải cởi trần.


5. Cách chẩn đoán bệnh

Lõm ngực có thể phát hiện ở trẻ sơ sinh ngay sau khi trẻ sinh ra. Khoảng hơn 80% trường hợp được xác định rõ ràng trong vòng 1 - 2 năm đầu đời.

Lõm ngực thường trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn tuổi dậy thì thì vì đây là thời gian tăng trưởng của xương và sụn. Bệnh lõm ngực phổ biến ở bé trai hơn bé gái với tỉ lệ 3:1.

6. Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Lõm ngực nhẹ thường chỉ mất thẩm mỹ và không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở những trường hợp lõm ngực nặng, xuất hiện các dấu hiệu như khó thởtim đập nhanh, ho, đau ngực,... đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân thì người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời.

7. Các phương pháp chữa bệnh

Bệnh lõm ngực chủ yếu được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, nhưng chỉ những bệnh nhân trên 4 tuổi và đủ thể trạng mới có thể thực hiện phẫu thuật.


Phương pháp phẫu thuật Ravitch: thực hiện bằng cách lấy bỏ sụn sườn nhưng giữ lại màng sụn và cố định xương ức ở vị trí bình thường. Các sụn sườn sau đó sẽ phát triển theo các màng sụn để lại và tạo một khung mới giữ xương ức ở vị trí đã được chỉnh sửa và cố định. Đây là phẫu thuật duy nhất và chuẩn mực để sửa chữa dị dạng lõm ngực bẩm sinh. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật để lại sẹo lớn gây mất thẩm mỹ.


Phương pháp phẫu thuật Nuss procedure: đây được xem là phương pháp phẫu thuật điều trị lõm ngực hiện đại nhất hiện nay, bác sĩ sẽ luồn một thanh kim loại qua ngực để nâng phần ngực lõm lên. Phẫu thuật này ngày càng được chấp nhận như một phương pháp thay thế cho kỹ thuật của Ravitch với ưu điểm lớn là xâm lấn tối thiểu, ít tàn phá, thời gian phẫu thuật nhanh, ít mất máu, trẻ nhanh chóng hồi phục về với cuộc sống bình thường do thời gian nằm viện ngắn (2-3 ngày).


Thanh nâng ngực thường để từ 2-3 năm, tùy lứa tuổi. Đối với trẻ dưới 5 tuổi thường để thanh nâng ngực từ 2,5 - 3 năm. Trẻ lớn xương cốt hóa nhanh thì để 2 năm.

8. Biện pháp phòng ngừa

Bệnh lõm ngực là dạng dị tật phổ biến nhất trong các bệnh dị tật lồng ngực (chiếm khoảng 90% dị tật bẩm sinh về lồng ngực). Do đó, việc phòng ngừa bệnh lõm ngực là hết sức quan trọng, phụ nữ mang thai cần phải tầm soát và quản lý thai nghén chặt chẽ, khám thai định kỳ và thường xuyên để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Minh Khương