Trẻ em và người già nhập viện gia tăng vì nắng nóng

  • 2022/06/20 03:03

Thời tiết Miền Bắc nóng và oi bức trong những ngày qua, kiến số lượng bệnh nhân đến khám bệnh và nhập viện tại Bệnh viện Bãi Cháy gia tăng nhất là trẻ trẻ em và người cao tuổi gia. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là bệnh lý đường hô hấp và tiêu chảy, huyết áp, tim mạch… có chiều hướng gia tăng.


8h sáng ngày 20/6/2022 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bãi Cháy đã rất đông.


Bệnh nhân chờ lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Tại Phòng khám Nhi của Bệnh viện Bãi Cháy, trung bình tiếp nhận khoảng 50 - 60 bệnh nhi đến khám bệnh, tuy nhiên chỉ tính riêng buổi sáng thứ 2 ngày 20/6/2022, Phòng khám Nhi đã tiếp nhận 70 - 80 bệnh nhi đến khám, nhiều trường hợp có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị.


Bệnh nhi chờ khám bệnh tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy.

Gia đình cháu N. Đ. A, trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long cho biết: “Mấy hôm nay vì thời tiết quá nóng, oi bức, sức khỏe con tôi yếu kèm theo có biểu hiện ho nhiều và sốt, tôi có cho cháu uống thuốc ho nhưng không đỡ mà càng ho nhiều, lại sốt cao, sổ mũi, không chịu ăn. Gia đình phải đưa cháu lên viện Bãi Cháy khám và điều trị”.


Bác sĩ CKI Vũ Thị Bầu Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy khám bệnh cho bệnh nhi N. Đ. A.

Bác sĩ CKI Vũ Thị Bầu, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Nguyên nhân khiến nhiều trẻ em nhập viện trong những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm. Trẻ em bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt nên dễ bị cảm cúm, sốt, các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Bác sĩ Bầu cho biết thêm: Nhiều gia đình chủ quan không cho con đi khám kịp thời và khi nhập viện bệnh đã tiến triển nặng. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của cháu, hạn chế không cho các cháu ra nắng, khi phát hiện cháu bị sốt cần đo nhiệt độ cơ thể và cho uống thuốc hạ sốt, nếu bị nặng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, bên cạnh đó nên cho các cháu uống nhiều nước, và ăn nhiều lần, để đảm bảo sức đề kháng ra ngoài trời quá nhiều, hướng dẫn trẻ chơi trong bóng râm, uống nhiều nước, ăn đồ ăn lỏng và đảm bảo vệ sinh.


Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi và mắc các bệnh mạn tính.


Bác sĩ CKI Đỗ Doãn Trong, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy khám bệnh cho bệnh nhân. 

Không riêng chỉ trẻ em mà người cao tuổi nhập viện cũng gia tăng. Nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng hiện nay dễ khiến người cao tuổi bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não nguy hiểm đến tính mạng, triệu chứng bệnh ban đầu bản thân người bệnh rất khó nhận biết. Nên người cao tuổi phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không nên căng thẳng, bố trí công việc hợp lý, hạn chế đi ra đường khi trời nắng nóng.

Trước tình trạng bệnh nhân là người cao tuổi và trẻ em nhập viện điều trị gia tăng, Bệnh viện đã tăng cường lắp đặt quạt điện, đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát, cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh; hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo các dịch bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra.


Khu khuôn viên Bệnh viện luôn sạch sẽ, thoáng mát và có nhiều cây xanh để bệnh nhân và người nhà nghỉ ngơi trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.



Bệnh viện luôn bố trí điều hòa khu vực ngồi chờ của bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo: mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh lây lan, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu vi-rút trong môi trường; phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà.

Các bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, người dân chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã... Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh; thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng như thủy đậu.

Đặc biệt, dù mắc bệnh hay chưa mắc bệnh thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mọi người cần ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả tươi để tăng sức đề kháng. Riêng với trẻ, chế độ ăn cần đa dạng, tăng cường rau quả giàu vitamin C, A để hỗ trợ hệ miễn dịch ... Phòng bệnh đường tiêu hóa, mọi người không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã; Sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng; Rửa tay sạch trước khi ăn và chế biến thực phẩm.

Minh Khương